Ứng dụng chuyển đổi số vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ

Nhận diện rõ xu hướng tiêu dùng và những lợi ích to lớn của chuyển đổi số với sự phát triển bền vững của ngành thương mại -  dịch vụ, các sở, ngành và doanh nghiệp trong tỉnh đã và đang chủ động triển khai nhiều giải pháp đột phá để chuyển đổi mô hình từ bán hàng truyền thống sang bán hàng đa kênh, ứng dụng chuyển đổi số vào công tác quản lý, bán hàng, mang đến những giá trị, trải nghiệm mua sắm mới cho người dân.

Chuỗi cửa hàng Winmart trong tỉnh ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh

Theo đánh giá của Sở Công Thương, những năm gần đây, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ diễn ra mạnh mẽ. Hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), mua bán trực tuyến có nhiều bước phát triển, mang lại những giá trị, lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Các nền tảng phục vụ cho TMĐT được khai thác hiệu quả đã giúp doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối mới trong thời đại công nghệ số, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc tiết giảm chi phí so với phương thức kinh doanh truyền thống, có thêm cơ hội tiếp cận thị trường mới. Năm 2023, chỉ số TMĐT của tỉnh đạt 20,5 điểm, xếp thứ 12/58 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, chỉ số thành phần nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin đạt 26,9 điểm, xếp thứ 11; chỉ số về giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng đạt 12,5 điểm, xếp thứ 22 và chỉ số về giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp đạt 25,2 điểm, xếp thứ hạng 14.

Ghi nhận trên địa bàn tỉnh, đa số siêu thị, cửa hàng tự chọn, cửa hàng tiện ích đã áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, buôn bán... Nhiều cửa hàng bán lẻ truyền thống, cơ sở dịch vụ cũng chủ động tham gia vào các sàn giao dịch TMĐT, sử dụng mô hình bán hàng đa kênh, ứng dụng công nghệ vào công tác xúc tiến thương mại, quản lý, thanh toán và bán hàng như: Xây dựng website, fanpage trên facebook; sử dụng phần mềm bán hàng chuyên dụng, hóa đơn điện tử; thanh toán trực tuyến; lắp đặt hệ thống camera giám sát tự động…

Để không bị tụt lại phía sau trong cuộc đua chuyển đổi số, 3 năm trở lại đây, siêu thị cho người thu nhập thấp ở thành phố Hưng Yên đã chủ động đổi mới mô hình kinh doanh từ truyền thống sang áp dụng các giải pháp số hóa vào quá trình quản lý, vận hành. Chị Nguyễn Thùy Linh, quản lý siêu thị cho biết: Siêu thị có trên 100 sản phẩm thuộc các nhóm hàng như: Thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn, rau, củ, quả, lương thực... Trước đây, siêu thị phải tốn khá nhiều nhân công, chi phí trong hoạt động vận hành. Tuy nhiên, từ khi áp dụng công nghệ số, siêu thị không chỉ tối ưu hóa chi phí, tăng doanh thu mà còn tiếp cận với nhiều hơn các đối tượng khách hàng. Thay vì bán hàng và quản lý thủ công như trước kia, siêu thị đã áp dụng phần mềm hỗ trợ quản lý bán hàng cùng hệ thống camera giám sát tự động. Hình thức thanh toán cũng đa dạng hơn, có thể sử dụng tiền mặt, thẻ ngân hàng hay thanh toán qua QR VNPAY, ví điện tử… 

Với những tiện ích mà chuyển đổi số mang lại, thị trường hàng hóa không những không bị hạn chế mà đối tượng khách hàng còn được mở rộng. Chị Phạm Quỳnh Hoa ở xã Long Hưng (Văn Giang) cho biết: Bây giờ, ở bất cứ cửa hàng mua sắm nào cũng có hình thức thanh toán qua quét mã QR. Đây là sự đổi mới cho cả khách hàng lẫn cơ sở kinh doanh. Ngoài ra, khi có việc bận không thể ra ngoài mua sắm, tôi chỉ cần lên trang fanpage của siêu thị gần nhà đặt hàng và sẽ được nhân viên giao hàng tận nơi.

Đồng chí Vũ Quang Thắng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để đạt mục tiêu đến năm 2025, tỉnh hoàn thành xây dựng, hình thành hệ sinh thái xúc tiến thương mại (XTTM) số; 100% các tổ chức XTTM và trên 500 doanh nghiệp được cấp tài khoản trên hệ sinh thái XTTM số; 15% các dịch vụ kết nối thị trường được tổ chức trên nền tảng kết nối; 15% số lượng hội chợ, triển lãm được tổ chức trên môi trường số… sở đã triển khai nhiều giải pháp đột phá để tăng tốc, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động TMĐT; trong đó, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh thương mại đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của Nhân dân; tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp phân phối, hộ kinh doanh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý trong hoạt động kinh doanh... Thời gian tới, sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tập trung phát triển các giải pháp chia sẻ hạ tầng giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ TMĐT và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phân phối bán lẻ, các giải pháp liên kết, chia sẻ thông minh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với người tiêu dùng và doanh nghiệp với Chính phủ trên nền tảng di động, thẻ thông minh và dữ liệu lớn; thúc đẩy các ngân hàng thương mại cung cấp dịch vụ ngân hàng số theo hướng đa dạng kênh phân phối, đổi mới sáng tạo, tự động hóa quy trình cung cấp dịch vụ, thúc đẩy ứng dụng hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử…

Nguồn: baohungyen.vn

 

 


Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
35 người đang online