Phù Cừ mùa vải chín

Hiện nay, toàn huyện có khoảng 900ha vải, trong đó vải lai chín sớm trên 710ha, vải trứng gần 180ha. Năm nay, khi chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch vải, chính quyền và người trồng vải không khỏi lo lắng về thị trường tiêu thụ, bởi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Thời điểm này, các hộ trồng vải trên địa bàn huyện đang bước vào vụ thu hoạch chính.

Xã Tam Đa, nơi trồng nhiều vải lai chín sớm nhất huyện – từ sáng sớm đã tấp nập xe lớn xe nhỏ của các thương ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Phú Thọ, Hà Nội … đến thu mua vải. Các hộ trồng vải cũng tranh thủ lúc thời tiết mát mẻ, nhanh tay thu hoạch vải nhằm bảo đảm chất lượng, mẫu mã với mong muốn bán giá cao cho các thương lái.

Anh Trần Văn Ky, ở thôn Tam cho biết: “Nhà tôi trồng 7 sào vải và đã thu hoạch xong. Năm nay sản lượng vải giảm so với năm trước, chỉ đạt hơn 1 tấn quả. Nguyên nhân là vải bị sâu đầu, rụng quả. Giá vải cũng thấp hơn các vụ trước, đầu vụ chỉ từ 11 đến 13.000đ 1kg. Có thời điểm xuống chỉ còn 7 đến 8.000đ 1kg. Trong ngày hôm nay 25/5, giá đã nhích lên cao hơn, dao động từ 15 đến 17.000đ 1kg”.

Xã Tam Đa có khoảng 230ha vải lai chín sớm, trong đó diện tích đã cho thu hoạch 210 ha, 70ha diện tích được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn Vietgap. Năm nay, do thời tiết bất lợi nên năng suất thấp. Ước tính sản lượng chỉ đạt khoảng 2 nghìn tấn. Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên giá bán cũng bấp bênh, khiến giá trị thu từ vài năm nay của xã Tam Đa giảm hơn những năm trước rất nhiều.

Sang xã Minh Tiến, các hộ trồng vải cũng đang huy động tối đa nguồn nhân lực để thu hoạch cho đúng thời vụ, bảo đảm chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Các hộ dân cũng cho biết, mặc dù đã áp dụng, thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, nhưng khi chuẩn chuẩn bị thu hoạch, vải bị bệnh, quả rụng nhiều khiến năng suất giảm mạnh. Năm nay các thương lái cũng ít hơn, nên việc tiêu thụ khó khăn.

Ngược lên phía Bắc của huyện, những ngày này, các hộ trồng vải của xã Phan Sào Nam cũng bắt đầu bước vào vụ thu hoạch. Ở Phan Sào Nam, nhân dân chồng chủ yếu là vải trứng. Ưu thế vượt trội của vải trứng là khi chín, vỏ mỏng có màu đỏ tươi, cùi dày, vị ngọt sắc và thơm mát, quả to như quả trứng gà, trọng lượng 1kg từ 20 - 22 quả. Bởi những đặc điểm trên mà giá vải trứng luôn luôn ổn định, dao động từ 90 đến 100.000đ 1kg. Khác với vải lai chín sớm, vải trứng cho giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần. Để có mặt hàng này, các thương lái hoặc các siêu thị phải đặt hàng trước. Hiện xã Phan Sào Nam có 110ha vải trứng, trong đó diện tích đã cho thu hoạch khoảng 30ha. Năm nay sản lượng ước đạt khoảng 25 tấn.

Hiện nay, toàn huyện có khoảng 900ha vải. Trong đó vải lai chín sớm trên 710ha, vải trứng gần 180ha. Các xã trồng nhiều là Tam Đa, Minh Tiến, Tiên Tiến, Phan Sào Nam. Năm nay, khi chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch vải, chính quyền và người trồng vải không khỏi lo lắng về thị trường tiêu thụ, bởi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trên địa bàn huyện lại có 2 ca dương tính với Sars – CoV-2. Tuy nhiên, UBND huyện Phù Cừ đã chủ động phối hợp với Sở Công thương tỉnh để được hỗ trợ bao bì và kết nối trực tuyến với các doanh nghiệp, siêu thị, các đầu mối tiêu thụ trên cả nước để tiêu thụ vải cho người dân. Đồng thời, huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về sản phẩm vải quả trên các phương tiện thông tin đại chúng từ trung ương đến địa phương. Cùng với đó, các địa phương cũng chủ động tìm kiếm, ký kết hợp đồng bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

Hy vọng rằng, với sự quan tâm, vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp, cây vải sẽ lại tiếp tục mang đến niềm vui, là cây trồng thế mạnh và tiếp tục cho giá trị kinh tế cao, để người trồng vải dù năm nay “Không được mùa nhưng vẫn được giá”./.

Đặng Quân

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
202 người đang online