15/01/2021 | lượt xem: 10 Bài ô nhiễm nguồn nước - thực trạng và nguyên nhân Hiện nay, ô nhiễm nguồn nước trở thành vấn đề không chỉ ở các nước phát triển, mà đặc biệt nghiêm trọng với các nước đang phát triển và vấn để ô nhiễm nguồn nước luôn được rất rất nhiều quốc gia quan tâm. Vì nó không những ảnh hưởng đến cuộc sống người dân mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển, tồn tại của cả quốc gia hiện nay. Nước chiếm 70% diện tích bề mặt Trái Đất, là thành phần không thể thiếu trong mọi cơ thể sống. Tuy nhiên hiện nay, ô nhiễm nguồn nước trở thành vấn đề không chỉ ở các nước phát triển, mà đặc biệt nghiêm trọng với các nước đang phát triển và vấn để ô nhiễm nguồn nước luôn được rất rất nhiều quốc gia quan tâm. Vì nó không những ảnh hưởng đến cuộc sống người dân mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển, tồn tại của cả quốc gia hiện nay. Theo Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cứ trung bình mỗi năm có khoảng 9 ngàn người chết vì nguồn nước bẩn và vệ sinh kém chất lượng; số ca mắc ung thư tới 100 nghìn người. Trong đó, nguyên nhân tìm ra là do nguồn nước ô nhiễm, không bảo đảm vệ sinh và độ an toàn cho người sử dụng. Bên cạnh đó, WHO cũng cho biết, tại Việt Nam có khoảng 44% trẻ nhỏ bị nhiễm giun sán, 27% trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng. Khi chung sống với nguồn nước ô nhiễm, con người dễ bị mắc các bệnh liên quan đến vấn đề về da, tiêu hóa, tiêu chảy và nguy cơ mắc bệnh ung thư là khá cao. Theo đánh giá chung tại một số địa phương trong cả nước, những ca bị mắc ca mắc bệnh ung thư hay viên miễn phụ khoa, tiêu hóa đường ruột hay da thường cao hơn so với những nơi có nguồn nước sạch. Tỉ lệ người mắc thường chiếm tới 40-50% một con số cực kỳ cao, đáng báo động khi nguồn nước sử dụng đang bị ô nhiễm. Một điều đáng lo ngại hiện nay là tỉ lệ người mắc các loại bệnh ung thư cực kỳ cao. Theo như nhiều nghiên cứu khoa học, người sử dụng nguồn nước mà trong đó có lượng asen sẽ dẫn đến tỉ lệ mắc bệnh ung thư cực lớn, thường gặp nhất là ung thư da. Bên cạnh đó, nó còn gây ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn của con người, dù 1 lượng asen cực nhỏ là 0,1mg/lít. Vì thế, khi phát hiện nước bị nhiễm độc cần xử lý trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn. Trên địa bàn huyện nhà, hiện nay nhiều dòng sông, ao hồ cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Điển hình như dòng sông Hoà Bình, đoạn chạy qua xã Đoàn Đào và thị trấn Trần Cao đến Quang Hưng. Nước sông đen ngòm, nổi váng, bốc mùi hôi thối. Rác thải sinh hoạt, túi nilon, vỏ chai lọ nhựa, thậm chí cả ghế sopha cũng trôi nổi lềnh bềnh trên mặt sông. Nhiều chỗ, các hộ chăn nuôi còn xả thải trực tiếp ra sông, làm nước sông đen kịt, hôi thối. Điều này làm ảnh hưởng đến mỹ quan, và quan trọng hơn nữa là ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, cuộc sống của chính những người dân sống gần những dòng sông này. Ông Trần Văn Hòa - người dân xã Đoàn Đào cho biết : “sông này bị ô nhiễm từ các nơi nó về, người ta không hiểu ra, người ta cứ vứt các bao bì, hoa quả, hay 1-2 giờ sáng người ta mang cả lợn ra vứt thì mình chịu. Nhà tôi gần đây, nắng là không chịu được, mùa hè tất cả lợn gà, bao bì trôi đầy đây. Đề nghị cán bộ đến đây nghiên cứu, cho chúng tôi khỏi ô nhiễm, cho chúng tôi đảm bảo sức khoẻ.” Còn đây là chia sẻ của bà Trần Thị Lan, người dân thị trấn Trần Cao: “ Hiện nay ở con sông này, rất nhiều nguồn nước thải đưa trực tiếp ra sông, mà dân vứt rác nhiều quá. Mùa nắng nước đen ngòm, bốc mùi lên sợ lắm, kinh lắm, bẩn lắm.Tôi rất muốn có cơ quan chức năng của nhà nước quan tâm đến, xử lý nước thải ở đây cho được sạch sẽ. Ban cạnh đó là, nhà tôi sinh sống ở đây, nhà bên cạnh nuôi nhiều chó quá. Phân chó, mèo, gà thối lắm, sáng ra không thể nào xuống tầng 1 đánh răng được, nhắc nhở nhiều rồi cũng không được. Và cũng có đề đạt với cơ quan chính quyền 1 vài lần nhưng cũng chưa thấy có ai đến nhắc nhở, xử lý cả. Mấy năm nay chúng tôi chịu đựng cái ô nhiễm này khổ lắm, mỗi khi trời nồm thì nó bốc lên hôi, tanh, tất cả toà nhà đều là mùi phân chó, đằng sau cả tầng 1 là không sinh hoạt được. Đêm chó kêu là không thể ngủ được, cứ năm tháng này qua năm tháng khác chúng tôi đều phải dùng thuốc ngủ.” Còn tại dòng sông Chính Lam, đoạn chạy qua thôn Hạ Cát, xã Tống Phan cũng không tránh khỏi tình trạng trên. Nước sông sủi bọt, hôi thối và chuyển sang màu đen. Qua tìm hiểu được biết, đoạn sông này bị ô nhiễm do 1 số hộ dân sống gần sông chăn nuôi gia súc gia cầm nhưng không xử lý chất thải, nước thải, mà xả thải trực tiếp xuống lòng sông nên dẫn đến tình trạng ô nhiễm dòng sông, gây bức xúc trong nhân dân. Ông Lê Xuân Hữu – người dân sống gần đoạn sông này bức xúc nói: “ Cái dòng sông này cách đây khoảng 10 năm rồi, những hộ dân chăn nuôi người ta cứ xả tràn ra, chính quyền, rồi Đài truyền hình của tỉnh Hưng Yên, VTV, AN ninh cũng về làm đưa tin phỏng vấn, nhưng xã và chính quyền chưa có cách giải quyết ô nhiễm dòng sông này để sau này chúng tôi còn được hưởng không khí trong lành. Chứ bây giờ, cứ như thế này thì con người cũng dần dần suy sụp hết vì sức khoẻ. Sáng mở cửa ra mùi phân trâu bay vào nhà không thể thở được, nhất là buổi sáng nhìn như 1 thùng nước xà phòng đổ ra thì biết là mức độ sủi bọt nó như thế nào, nó hôi, nó khắm, nó khẳng, nó hăng, nhất là buổi chiều gió đông nó đưa vào nhà thì không ngửi được. Đề nghị chính quyền các cấp, ngành môi trường các cấp về xử lý làm sao cho phù hợp cho người dân chúng tôi .” Thưa quý vị và các bạn, nước rất cần thiết cho sinh hoạt và cuộc sống của chúng ta. Nhưng hiện nay, tình trạng ô nhiễm nguồn nước và cạn kiệt nguồn nước ngầm đang ở mức đáng báo động. Qua nắm bắt thông tin tại 1 số địa phương trên địa bàn huyện nhà được biết, thời gian qua đã xảy ra tình trạng cạn kiệt mạch nước ngầm, nhiều hộ gia đình thiếu nước dùng, gây khó khăn, bất tiện cho cuộc sống hàng ngày của người dân. Ông Nguyễn Thanh Hải, người dân xã Tiên Tiến chia sẻ:“Tôi khoan cái giếng từ năm 1999, bây giờ đang bơm là tự nhiên nó không lên nước, cứ nghĩ là cái máy bơm nó cũ, nó hỏng, thế là đi ra mua cái máy bơm mới về thay vào nhưng bơm vẫn không lên nước. Mấy người hàng xóm xung quanh mới bảo đấy là do nước nó cạn rồi, tôi mới lôi cái ống lên ở bên dưới gần trõ chỉ còn 20-30cm nước. Tôi đi mua 1 cái ống dài 4m về nối thêm vào thì bơm nước mới lên, nhưng nó yếu và có mùi. Vì vậy nên gia đình tôi đã chuyển sang dùng nước sạch, tuy là mất tiền nhưng dùng nước sạch vừa đảm bảo cho sức khoẻ, vừa bảo vệ mạch nước ngầm.” Từ góc độ nhìn nhận nguyên nhân gây ra vấn đề ô nhiễm nguồn nước, mỗi người dân chúng ta cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân mình, chung tay để khắc phục tình trạng ô nhiễm nước mang tới nguồn nước sạch, bảo vệ sức khỏe chính mình và những người thân yêu. Trước hết, nên hạn chế sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng 1 lần; thu gom rác thải sinh hoạt của gia đình, phân loại xử lý rác thải tại nhà, vứt rác đúng nơi quy định, không vứt rác xuống ao, hồ, sông. Nước thải sinh hoạt, nước thải, chất thải chăn nuôi cần được xử lý trước khi thải ra ngoài. Đối với những nguồn nước bị ô nhiễm trước cần tìm cách để "hồi sinh”, tái tạo lại hệ sinh thái ở xung quanh đó. Xét cho cùng, nước sạch và không khí trong lành là những điều thiết yếu để có được một cuộc sống khỏe mạnh. Vì vậy, để bảo vệ nguồn nước cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và mọi người dân, bảo vệ nguồn nước là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta./. An Hương