Chuyển đổi số hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh Hưng Yên trở thành thành phố thông minh vào năm 2045

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX xác định ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư là một trong những quan điểm, định hướng phát triển với mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP và tỉnh Hưng Yên trở thành thành phố thông minh vào năm 2045. Thực hiện chủ trương trên, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số với lộ trình, mục tiêu cụ thể để nắm bắt cơ hội mà chuyển đổi số mang lại, mở ra không gian phát triển mới.

Bài 1: Chuyển đổi số giúp duy trì, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội

Mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19, nhưng tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh bình quân trong 3 năm (2021 – 2023), đạt 10,71%, vượt kế hoạch đề ra. Có được kết quả này là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền các cấp và sự đồng hành, chủ động của người dân, doanh nghiệp, trong đó chuyển đổi số (CĐS) chính là công cụ, giải pháp và cũng là mục tiêu, động lực thúc đẩy tăng trưởng. 

Linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo

Nghị quyết Hội nghị lần thứ Chín Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh khóa XIX về chương trình CĐS tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 xác định quan điểm chỉ đạo là: “CĐS là công cụ quan trọng, xu hướng tất yếu trong lãnh đạo, điều hành kinh tế - xã hội của địa phương và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân nhằm phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”. Nghị quyết cũng khẳng định “CĐS là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; tạo sự thống nhất nhận thức và hành động về CĐS trong toàn xã hội ở tỉnh Hưng Yên”.


Ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của việc thực hiện CĐS để điều hành nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, nên khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, ngày 15/6/2021, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về Chương trình CĐS tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Nghị quyết số 06). Nhằm cụ thể hoá Nghị quyết số 06, ngày 25/2/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 571/QĐ-UBND phê duyệt Đề án CĐS tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (viết tắt là Đề án CĐS tỉnh). Đề án CĐS tỉnh phân tích rõ hiện trạng, nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém và đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng giai đoạn. 


Năm 2021 và năm 2022 là thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như trong nước. Để bảo đảm an toàn sức khoẻ, tính mạng cho người dân, Chính phủ thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, trong đó, có việc cách ly y tế, giãn cách xã hội đã góp phần ngăn chặn sự lây lan diện rộng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, điều này đã ảnh hưởng đến sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nền kinh tế. Trong thời điểm khó khăn đó, cũng như cả nước, tỉnh Hưng Yên linh hoạt chuyển công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sang hình thức trực tuyến. Và Đề án CĐS tỉnh được ban hành trong thời điểm này đã trở thành kim chỉ nam cho việc chỉ đạo, điều hành nền kinh tế. 


Tăng trưởng kinh tế vượt kế hoạch


Sau những ngày đầu lúng túng khi phải thực hiện cách ly y tế, giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, nhiều công nghệ số, nền tảng số đã được triển khai như: Hội nghị, cuộc họp trực tuyến; học trực tuyến; khám và tư vấn y tế từ xa; mua sắm trực tuyến… Với sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền và sự hỗ trợ của các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, chỉ sau một thời gian ngắn, hệ thống truyền hình trực tuyến của tỉnh đã được đầu tư xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng hiệu quả. Hệ thống được kết nối, liên thông giữa các điểm cầu ở Trung ương, tỉnh, huyện và xã. Nhờ vậy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp uỷ, chính quyền diễn ra thông suốt ngay trong những thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhất. Ông Ngô Văn Tuyến, Giám đốc Viettel Hưng Yên cho biết: Ngoài thực hiện CĐS mạnh mẽ tại đơn vị, Viettel Hưng Yên đồng hành, hỗ trợ cấp uỷ, chính quyền các cấp và doanh nghiệp, người dân trong tỉnh triển khai ứng dụng CĐS vào công việc và đời sống. Nhiều nền tảng số của Viettel được phát triển với các tiện ích giúp chính quyền, người dân, doanh nghiệp hoạt động trên môi trường số thuận lợi, tăng cường kết nối, chia sẻ. Đặc biệt, Viettel Hưng Yên hỗ trợ lắp đặt, vận hành hệ thống truyền hình trực tuyến tại nhiều địa phương; xây dựng, vận hành trung tâm điều hành thông minh tại thành phố Hưng Yên và một số huyện trong tỉnh; lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh; xây dựng hồ sơ sức khoẻ điện tử; mô hình chợ 4.0; tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử… 

 Quản lý, vận hành Trung tâm giám sát và điều hành an toàn thông mạng giúp hoạt động chuyển đổi số diễn ra an toàn, hiệu quả


Trong điều kiện giãn cách xã hội, cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19, CĐS đã trở thành giải pháp hữu hiệu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động của nền kinh tế cũng như bảo đảm đời sống của người dân. Nhờ đó, tỉnh đã thực hiện thành công mục tiêu kép vừa bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả vừa duy trì, phục hồi và phát triển kinh tế. Trong 3 năm (2021 – 2023), tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đều vượt kế hoạch đề ra, trong đó, năm 2021, tăng 6,52% (kế hoạch tăng 6%); năm 2022, tăng 13,41% (kế hoạch tăng 7%); năm 2023, tăng 10,5% (kế hoạch tăng 9%). 

Nguồn://baohungyen.vn

 


Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
93 người đang online