13/08/2010 | lượt xem: 3 Bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trong mùa rét Huyện Phù Cừ hiện có đàn trâu, bò gần 7 nghìn con, đàn lợn gần 50 nghìn con và trên 700 nghìn con gia cầm. Nhiều năm nay, công tác tiêm phòng được quan tâm và thực hiện hiệu quả, vì thế không có dịch bệnh xảy ra. Rút kinh nghiệm qua các đợt rét đậm của những năm trước, bước vào mùa rét năm nay, huyện đã giao cho phòng nông nghiệp-PTNT, cán bộ thú y, khuyến nông hướng dẫn nông dân kỹ thuật phòng chống rét cho đàn gia súc, gia cầm (GSGC) và chuẩn bị thức ăn dự trữ cho trâu bò trong những ngày đông giá rét. Thực tế, những đợt rét đậm năm 2008 đã làm ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi gia súc, gia cầm, hiện tượng GSGC chết rét đã xảy ra, nguyên nhân do nông dân vẫn chăn nuôi theo hướng chăn thả tự nhiên, không làm chuồng trại hoặc làm chuồng trại đơn sơ không đủ ấm, mùa đông trời rét nhưng vẫn cho trâu, bò lên bờ đê, bờ ruộng tự kiếm thức ăn. Bước vào mùa đông năm nay, huyện đã triển khai công tác phòng chống rét cho đàn gia súc ngay từ đầu vụ và hướng dẫn đến tận khu dân cư cách làm cây rơm để bảo đảm thức ăn dự trữ cho trâu, bò trong những ngày trời rét đậm. Nhờ vậy, những ngày qua khi thời tiết rét đậm nhưng các địa phương đã bảo toàn được số lượng đàn gia súc. Tuy nhiên, tập quán của nông dân trên địa bàn huyện và sự tiếp cận KHKT vào thực tế của nông dân còn hạn chế nên thời điểm này huyện đã giao cho các phòng chức năng tiếp tục hướng dẫn cách phòng chống rét cho trâu, bò và chế biến thức ăn khô, xanh để dự trữ theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” để bà con tiếp cận và trở thành thói quen. Cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho rằng: Hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân phải cụ thể, tỷ mỉ từng chi tiết bằng phương pháp “cầm tay chỉ việc” người dân mới mạnh dạn làm vì nếp nghĩ, cách làm của bà con rất rụt rè, lo sợ không làm được. Chị Trần Thị Phai (xã Nguyên Hoà), có đàn bò gần 10 con, từ trước đến nay gia đình chị vẫn chủ yếu chăn thả tự nhiên, đàn bò tự kiếm ăn trên đê, trên các bờ ruộng. Đợt rét đậm đầu năm 2008, nhà chị có con bê mới sinh bị chết rét do chuồng trại đơn sơ không có hơi ấm. Vì thế, năm nay chị Phai đã chuẩn bị đủ bao tải đay để khoác cho đàn bò khi trời lạnh và đốt lửa để giữ ấm chuồng trại. Chị Phai cho biết thêm: Lần đầu tiên chúng tôi được tiếp cận với cách làm cây rơm để dự trữ thức ăn cho đàn gia súc, người dân ai cũng thấy lạ và khó làm vì từ nhiều năm qua chúng tôi sau khi gặt xong thường bỏ rơm ngoài ruộng hoặc đốt ngay ngoài ruộng. Trâu bò mỗi nhà chỉ có một hai con nuôi để sinh sản tăng thu nhập và tận dụng làm sức cày kéo, việc phòng chống rét cho chúng chưa được quan tâm. Trước mùa rét năm nay, người chăn nuôi trong xã được tuyên truyền, hướng dẫn cách làm cây rơm và che chắn chuồng trại, do vậy đàn GSGC của nông dân trong xã đến thời điểm này vẫn ổn định, sinh trưởng tốt. Anh Nguyễn Văn Sơ (xã Tam Đa), với tâm trạng phấn khởi vì hiệu quả từ chăn nuôi trâu, bò sinh sản, cho biết: “Những năm gần đây gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập đáng kể nhờ vào việc phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Mùa đông là thời điểm có nhiều dịch bệnh xảy ra, trâu bò rất dễ bị chết rét, nên gia đình luôn đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn trâu, bò có đủ các thành phần dinh dưỡng và tiêm phòng đúng định kỳ. Kinh nghiệm chăn nuôi trâu bò của gia đình là chuẩn bị đến mùa đông vỗ cho bò thật béo, cho ăn thêm thức ăn có tinh bột để bò có sức đề kháng chống rét. Ngoài ra, chuẩn bị nguồn thức ăn cho đàn trâu, bò vào mùa đông bằng cách trồng cỏ voi, tận dụng cây ngô làm thức ăn cho trâu bò và rơm khô dự trữ. Cùng với các biện pháp phòng chống rét cho đàn trâu, bò, ở các địa phương có đàn lợn, đàn gia cầm phát triển, công tác phòng chống rét cũng được thực hiện có hiệu quả. Ngoài các vật dụng như vải bạt dùng để che chắn chuồng trại, các chủ hộ chăn nuôi tận dụng nguồn khí ga trong chăn nuôi để sưởi ấm cho đàn lợn. Lãnh đạo xã Đoàn Đào cho biết: Thực hiện công tác phòng chống rét, dịch bệnh, bảo đảm phát triển ổn định đàn gia súc, gia cầm ngay khi bước vào đầu vụ, xã đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo chống rét cho cây trồng, vật nuôi, vận động nhân dân thu gom rơm rạ, trồng cỏ làm thức ăn, làm chuồng trại và không thả gia súc, gia cầm trong những ngày mưa phùn, nhiệt độ xuống thấp. Bên cạnh việc vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho GSGC, xã cử các cán bộ thú y tham gia các lớp tập huấn về công tác chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm do Trung tâm khuyến nông tỉnh và huyện tổ chức, sau đó về tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nông dân phòng, chống đói, rét cho đàn trâu, bò. Chị Phạm Thị Thanh, cán bộ thú y của xã cho biết: Hiện nay các thôn của xã đều có cán bộ thú y phụ trách, ngoài theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh, số lượng phát triển của đàn gia súc, gia cầm, cán bộ thú y thôn luôn nhắc nhở, hướng dẫn chủ hộ chăn nuôi che chắn chuồng trại cho gia súc, gia cầm vào mùa đông. Với các biện pháp triển khai phòng chống rét cho đàn gia súc gia cầm, những ngày vừa qua, tuy thời tiết rét đậm song đàn GSGC trên địa bàn huyện vẫn ổn định, không có tình trạng GSGC chết vì rét. Để đối phó với các đợt rét đậm, rét hại tiếp theo, cán bộ chuyên môn của huyện, chính quyền địa phương đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật chống rét đàn GSGC cho nông dân, các chủ hộ chăn nuôi chủ động vật tư, phương tiện che chắn chuồng trại chăn nuôi nhằm bảo vệ an toàn đàn GSGC. Trung Long/ Phòng NN huyện