Hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả mô hình ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây vải tại xã Phan Sào Nam
Sáng ngày 19/5, Ban quản lý dự án IPM tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2022-2025, thuộc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phối hợp với ngành nông nghiệp huyện tổ chức Hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả mô hình ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây vải trứng tại xã Phan Sào Nam.
Page Content
Đến dự có đồng chí Lê Minh Hoan – Phó chi cục trưởng chi cục bảo vệ thực vật tỉnh, cán bộ sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, các đồng chí lãnh đạo phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, trạm bảo vệ thực vật huyện, lãnh đạo các trạm bảo vệ thực vật các huyện, thành phố trong tỉnh, lãnh đạo hội nông dân xã Phan Sào Nam và 30 học viên của lớp IPM.

Mô hình ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây vải trứng Hưng Yên tại xã Phan Sào Nam được thực hiện từ tháng 2 đến tháng 6/2023 với 30 học viên tham gia là các hộ trồng vải ở các thôn của xã Phan Sào Nam. Các học viên đã được truyền đạt kiến thức và được áp dụng thực hành trên vườn vải trứng của học viên Quách Trọng Cường, ở thôn Ba Đông, xã Phan Sào Nam với diện tích 0,5ha.
Qua lớp IPM đã giúp các học viên nắm được những nguyên tắc cơ bản trong quản lý dịch hại tổng hợp IPM: Trồng cây khoẻ, bảo vệ thiên địch, thăm đồng thường xuyên và nông dân trở thành chuyên gia. Các học viên được tự thực hành, tự kiểm tra kết quả áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật và thấy được vai trò lợi ích của thiên địch, tác hại của việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đến hệ sinh thái vườn cây ăn quả, sức khoẻ con người và chất lượng sản phẩm.
Kết quả, mô hình đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra, mật độ thiên địch trong mô hình cao hơn so với các vườn khác, do thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng ít hơn, có độ độc thấp hơn, thời gian phân huỷ nhanh, ít ảnh hưởng đến các thiên địch khác. Còn về hiệu quả kinh tế, năng suất của vườn mô hình cao hơn các vườn khác 300kg/1ha, cho hiệu quả kinh tế cao hơn trên 38 triệu đồng/ha.


Các học viên tham gia lớp học IPM đều bày tỏ mong muốn tiếp tục được hỗ trợ duy trì mô hình trong thời gian tới đồng thời nhân rộng mô hình trên địa bàn xã Phan Sào Nam nói riêng và huyện nhà nói chung để các hộ trồng vải trên địa bàn huyện nâng cao kiến thức về chăm sóc quản lý dịch hại tổng hợp trên cây vải để hướng đến năng suất, chất lượng và hiệu quả cao hơn nữa.
Phan Nguyệt