PHÙ CỪ PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG TẦM CÁC SẢN PHẨM OCOP

Đăng ngày 30 - 06 - 2021
100%

Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, với những cách làm sáng tạo, linh hoạt, thời gian qua, huyện nhà đã nỗ lực triển khai Chương trình OCOP - “Mỗi xã một sản phẩm”. Chương trình đã đi vào cuộc sống, thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại bền vững và đã tạo ra những sản phẩm hàng hóa chất lượng được người tiêu dùng đánh giá cao.

            Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, đến nay huyện nhà đã có 8 sản phẩm được trao giấy chứng nhận OCOP. Trong đó, có 3 sản phẩm được chứng nhận 4 sao là: Vải lai chín sớm của Hợp tác xã nông nghiệp Thắng Lợi, Vải trứng Hưng Yên của Hợp tác xã nông nghiệp Quyết Tiến và Dưa lưới của Hợp tác xã An Thịnh Phát. 5 sản phẩm 3 sao gồm: Cam đường canh, Cam Hưng Yên của Hợp tác xã nông nghiệp Ngũ Phúc, Nhãn quả tươi của Hợp tác xã nông nghiệp Đức Thắng, hợp tác xã Hưng Thịnh, Quang Hưng và Vải lai chín sớm của Hợp tác xã nông nghiệp Minh Tiến.

           Xã Tam Đa là địa phương có nhiều sản phẩm được công nhận đạt 3 sao và 4 sao nhất. Ông Doãn Thanh Luận, chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cho biết: “Trong những năm qua được sự quan tâm của Ủy ban nhân dân tỉnh và các ban ngành của tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện và các ngành của huyện rất quan tâm về công tác mỗi xã một sản phẩm OCOP Ủy ban xã đã chọn 3 sản phẩm sản phẩm vải lai chín sớm huyện Phù Cừ là thực hiện OCOP, sản phẩm cam có 2 loại là cam đường canh và cam Hưng Yên thì xã đã chọn 3 sản phẩm này. Ủy ban nhân dân xã đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn và giao cho 2 hợp tác xã họp để triển khai Nghị quyết về sản phẩm OCOP. 2 hợp tác xã đã họp cùng với các hội viên hợp tác xã để triển khai. Ủy ban nhân dân xã giao cho hợp tác xã thu mua toàn bộ diện tích thực hiện OCOP đưa đi các siêu thị từ đó mang lại kinh tế cao cho bà con”.

         ý kiến của ông Trần Văn Bính - Giám đốc HTX nông nghiệp Ngũ Phúc: “Hai sản phẩm của hợp tác xã nông nghiệp Ngũ Phúc là cam đường canh và cam Hưng Yên đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh ký chứng nhận đạt sản phẩm OCOP. Sau khi đạt tiêu chuẩn OCOP thì cái tiêu thụ sản phẩm cho thành viên Hợp tác xã cũng như là những hộ liên kết thì đã được nâng lên rõ rệt, các sản phẩm OCOP được người tiêu dùng đón nhận 1 cách tích cực hơn ví dụ như là sản phẩm của Hợp tác xã năm 2020 tiêu thụ bao gồm thị trường các tỉnh lân cận ở phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và trong tỉnh Hưng Yên và 1 số chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh qua những con đường tiểu ngạch”.

            Trao đổi với chúng tôi, các ông bà trong Ban quản trị Hợp tác xã Ngũ Phúc, xã Tam Đa cho biết thêm: Do áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất nên các sản phẩm do HTX làm ra không chỉ có mẫu mã đẹp, năng suất cao mà còn rất an toàn, tạo được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường. Trong năm 2020, Hợp tác xã đã xuất ra thị trường trên 300 tấn cam các loại. Trong đó, cam đường canh 157 tấn, cam Hưng Yên 151 tấn. Doanh thu đạt trên 6 tỷ đồng.

           Một sản phẩm tiêu biểu khác của huyện nhà cũng vừa có vinh dự được xếp hạng 4 sao, đó là sản phẩm Dưa lưới của Hợp tác xã An thịnh Phát - xã Tống Trân. Sản phẩm được sản xuất theo công nghệ cao trong nhà màng với diện tích 5.000m2.

          Ông Bùi Văn Phương, giám đốc HTX An Thịnh Phát chia sẻ: “Tất cả quy trình sản xuất của chúng tôi được kiểm soát rất nghiêm ngặt từ nguồn nước, nguồn giá thể để trồng, từ nguồn giống và cái sản phẩm trước khi được xuất bán ra thị trường chúng tôi có những thiết bị đo đếm độ chín, độ đường cũng như đảm bảo không còn những tồn dư các chất mà không được cho phép trong thực phẩm. Bao bì đống gói và vận chuyển sản phẩm cũng phải chuyên nghiệp bài bản để làm sao khi đến tay người tiêu dùng từ mẫu mã từ chất lượng phải xứng tầm với sản phẩm OCOP hạng 4 sao”.

          ý kiến của bà Trần Thị Hương, thành viên trong hợp tác xã: “Khi sản phẩm được xếp hạng 4 sao, thì chúng tôi rất vui mừng khi giá trị sẽ được nâng cao mà mọi người sẽ biết đến sản phẩm nhiều hơn, mức giá ổn định hơn, mức lương của các thành viên trong hợp tác xã sẽ ổn định hơn”.

           Thực tế đã chứng minh, nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện nhà sau khi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP đã tác động mạnh mẽ đến giá trị và uy tín của sản phẩm, từ đó giá bán có xu hướng tăng. Ðơn cử như sản phẩm vải trứng Hưng Yên của hợp tác xã nông nghiệp Quyết Tiến, xã Phan Sào Nam.

          Ông Nguyễn Đình Đức – PBT thường trực Đảng uỷ xã Phan Sào Nam cho biết: “Ban chấp hành Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã và Ban chỉ đạo xây dựng chương trình OCOP mỗi xã một sản phẩm đã lấy sản phẩm vải trứng Phan Sào Nam là sản phẩm cụ thể đưa ra thị trường. Trong thời gian vừa qua chúng tôi đã có định hướng chỉ đạo là mở rộng từ 25 đến 120ha diện tích vải và kể cả trong dân và trong diện tích ở chuyển đổi vườn thì đã cho thu hoạch từ 25 đến 30ha, năm 2020-2021 thì sản phẩm vải của Phan Sào không những được mùa mà còn được giá làm động lực phát triển để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất Phan Sào”.

           Sản phẩm này đã được xếp hạng 4 sao vào năm 2020. Đồng thời, được Cục sở hữu trí tuệ - Bộ khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Vải trứng có mẫu mã vượt trội hơn hẳn so với các giống vải khác. Quả to có thể đạt từ 16 đến 18 quả 1 kg, quả nhỏ đạt từ 20 đến 22 quả 1 kg. So với các loại vải khác, giá trị của vải trứng Hưng Yên cao gấp nhiều lần và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Trong vụ vải vừa qua, giá vải trứng  bình quân đạt từ 110 đến 130 nghìn đồng/kg. Thời điểm cuối vụ lên đến 170 nghìn đồng/kg.

           Bà Nguyễn Thị Thoảng, thành viên hợp tác xã nông nghiệp Quyết Tiến phấn khởi cho biết:Từ khi cây vải trứng được chứng nhận OCOP 4 sao. Chúng tôi thấy được hưởng lợi rất nhiều từ cây vải trứng này. Giá bán sản phẩm tăng dần qua các năm. Đợt tới, chúng tôi sẽ tiếp tục ứng dụng khoa học kỹ thuật và trồng và chăm sóc vải trứng để mẫu mã, chất lượng ngày một nâng cao. Cùng với đó sẽ mở rộng thêm diện tích trồng để cung ứng đủ cho thị trường”.

            Hơn chục năm trở lại đây, Phù Cừ chúng ta đã nổi tiếng với giống vải lai chín sớm. Giống vải này tập trung tại các xã Minh Tiến, Tam Đa, Tiên Tiến với tổng diện tích trên 700ha. Trong đó,  trên 150ha đã và đang được thâm canh sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap. Sản lượng bình quân ước đạt gần 8.500 tấn 1 năm. Người trồng vải tự hào, sản phẩm vải lai chín sớm của hợp tác xã nông nghiệp Thắng Lợi, xã Tam Đa đã được chứng nhận OCOP 4 sao và sản phẩm vải lai chín sớm của Hợp tác xã nông nghiệp Minh Tiến được chứng nhận OCOP 3 sao.

            Nói về sản phẩm vải lai chín sớm của hợp tác xã mình, bà Đồng Thị Thu Hương, Giám đốc HTX nông nghiệp Minh Tiến cho biết: “Sản phẩm vải lai chín sớm của Hợp tác xã nông nghiệp Minh Tiến được xếp hạng 3 sao vào năm 2021. Sau khi được chứng nhận OCOP thì bà con sản xuất theo hướng tích cực hơn. Người tiêu dùng thấy tự tin hơn vào sản phẩm của chúng tôi. Lượng đặt hàng cũng cao hơn tốt hơn. Thị trường cũng ngày càng được mở rộng. Sắp tới tôi cũng muốn đưa quả nhãn vào chương trình OCOP để hướng cho bà con sản xuất được tốt hơn và tiếp cận thị trường được tốt hơn”.

            Cùng với các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP, hiện nay, huyện nhà còn có rất nhiều sản phẩm tiêu biểu khác như: cam lòng vàng, dưa chuột, long nhãn, hạt sen.... rất được thị trường ưa chuộng. Những sản phẩm này đang được địa phương chuẩn bị hồ sơ, đăng ký tham gia đánh giá xếp hạng trong thời gian tới.

           Mỗi xã một sản phẩm là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương nhằm tạo ra các sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng, có nhãn mác thương hiệu và vươn ra các thị trường. Để giúp các địa phương xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, huyện nhà đã có các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đầu tư sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo chuỗi giá trị bền vững.  Cùng với đó, hỗ trợ hoàn thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm. Phối hợp mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng chăm sóc, thu hoạch theo vietgap để nâng cao chất lượng của sản phẩm. Thực hiện quảng bá sản phẩm bằng cách tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại để việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn.

           Trong thời gian tới, để tiếp tục phát triển chương trình và nâng hạng những sản phẩm OCOP, ông Bùi Quang Nam, Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện đã cho biết: “Huyện Phù Cừ tiếp tục rà soát, lựa chọn các sản phẩm có đủ điều kiện để trình cấp có thẩm quyền công nhận, đồng thời quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: Đẩy mạnh tuyên truyền dưới nhiều hình thức. Cùng với đó quan tập huấn nâng cao năng lực cho các chủ thể và đội ngũ cán bộ tham gia chương trình nhằm nâng cao năng lực quản lý và điều hành chương trình; Đồng thời, tiếp nhận và triển khai đầy đủ kịp thời, các cơ chế chính sách hỗ trợ đến các chủ thể có sản phẩm OCOP. Phát triển mạnh các hình thức tổ chức liên kết sản xuất; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản sản phẩm; coi trọng hiệu quả của công tác xúc tiến, quảng bá, kết nối, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là thị trường phi truyền thống;

             Với 8 sản phẩm được xếp hạng trong 2 năm triển khai Chương trình OCOP thì đây quả là 1 con số hết sức ấn tượng. Nhưng quan trọng hơn, thông qua chương trình đã giúp người nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật thay đổi tư duy trong sản xuất và tiêu dùng, làm giầu trên chính đồng đất quê mình. Hy vọng những kết quả ban đầu sẽ tạo ra những động lực quan trọng để cán bộ và nhân dân huyện nhà tiếp tục đoàn kết, đưa ra nhiều giải pháp phấn đấu nâng hạng các sản phẩm, hướng tới các thị trường quốc tế./.

Hồng Nhung

Ý kiến bạn đọc

    Tin mới nhất

    Hưng Yên khai mạc Phiên chợ cam năm 2023(05/12/2023 9:57 SA)

    Nuôi thủy sản không cần đào ao(05/12/2023 9:47 SA)

    Lãnh đạo huyện Phù Cừ gặp mặt doanh nghiệp gặp mặt doanh nghiệp doanh nhân và kỷ niệm ngày doanh...(11/10/2023 8:07 SA)

    Mời tham gia Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt – Trung (Lào Cai) lần thứ 23, năm 2023(21/09/2023 1:59 CH)

    Người dân huyện nhà làm giàu nhờ nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội(14/07/2023 6:49 SA)

    Khai mạc phiên chợ vải năm 2023(29/05/2023 7:22 SA)

    Hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả mô hình ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây vải tại...(20/05/2023 7:10 SA)

    Hội nghị kết nối tiêu thụ vải lai chín sớm Phù Cừ năm 2023(13/05/2023 8:48 SA)