16/06/2023 | lượt xem: 7 Phù Cừ - nông dân tích cực thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp Trên địa bàn huyện nhà đã có nhiều nông dân tiên phong mở lối đi này và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, tạo động lực, sức lan tỏa lớn cho nhiều nông dân khác trong việc thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp hướng tới xây dựng Phù Cừ thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu về sản xuất nông nghiệp định hướng ứng dụng công nghiệp cao. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của khoa học - kỹ thuật, những thuật ngữ như “chuyển đổi số”, “sàn thương mại điện tử” hay ứng dụng “công nghệ 4.0” trong sản xuất nông nghiệp đã không còn xa lạ đối với người dân. Trên địa bàn huyện nhà đã có nhiều nông dân tiên phong mở lối đi này và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, tạo động lực, sức lan tỏa lớn cho nhiều nông dân khác trong việc thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp hướng tới xây dựng Phù Cừ thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu về sản xuất nông nghiệp định hướng ứng dụng công nghiệp cao. Hợp tác xã sản xuất cung ứng rau quả và cây dược liệu An Thịnh Phát, ở xã Tống Trân được xem là 1 trong những mô hình tiên phong của huyện nhà về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Được biết hợp tác xã được thành lập và đi vào hoạt động từ đầu năm 2017 chuyên trồng và cung cấp các sản phẩm nông sản như dưa chuột, dưa lưới, ớt chuông…vv. Trò chuyện với anh Bùi Văn Phương, giám đốc hợp tác xã cho biết: Sau 2 năm hợp tác xã đi vào hoạt động, anh đã quyết định xây dựng mô hình nhà màng thâm canh trồng các loại dưa lưới. Thời điểm này, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp vẫn còn khá mới mẻ đối với sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Tuy nhiên, anh Phương vấn mạnh dạn đầu tư thực hiện. Đưa chuyển đổi số vào trong quá trình sản xuất, hợp tác xã đã ứng dụng vào việc xây dựng nhà màng, ươm hạt trên hệ thống khay trồng, hệ thống tưới nước tự động, máy trộn giá thể, áp dụng máy móc trong kiểm soát nước tưới nhỏ giọt, dinh dưỡng cho cây trồng. Cùng với đó, khi sản phẩm nông sản đến thời kỳ thu hoạch, hợp tác xã sử dụng máy đo độ đường, máy test hàm lượng tồn dư ni tơ rat để kiểm soát chất lượng sản phẩm trước khi xuất bán ra ngoài thị trường. Đồng thời, hợp tác xã cũng sử dụng ứng dụng QR code để tích hợp các thông tin về giống cây trồng, quy trình sản xuất và thông tin của hợp tác xã để khách hàng có thể tìm hiểu và yên tâm về nguồn gốc cũng như chất lượng sản phẩm nông sản. Do quá trình sản xuất đã từng bước được số hóa, nên sản phẩm khi thu hoạch đều cả về kích thước, trọng lượng và chất lượng. Hiện nay, sản phẩm dưa lưới của hợp tác xã đã đạt ocop 4 sao và sản phẩm dưa chuột maya đạt ocop 3 sao. Đây trở thành điểm cộng tuyệt đối về tiêu chuẩn giúp sản phẩm nông sản của hợp tác xã được khách hàng tin tưởng và lựa chọn. Có thể nói, việc đưa chuyển đổi số vào sản xuất đã giúp anh Phương và HTX giảm tối đa chi phí sử dụng nhân công, năng suất luôn đạt cao hơn so với những mô hình sản xuất truyền thống khác. Trong năm 2022 vừa qua, hợp tác xã xuất bán ra thị trường 75 tấn dưa lưới các loại, 42 tấn dưa chuột maya và 7 tấn ớt chuông, doanh thu đạt trên 2,5 tỷ đồng. Được biết, sau gần 5 năm triển khai thực hiện, mô hình đang được hợp tác xã nhân rộng và từ 3.000 m2 ban đầu, đến nay đã mở rộng lên 8.000m2 và đang tiếp tục xây dựng thêm 5.000 m2 nhà màng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023 này. Cũng giống như hợp tác An Thịnh Phát, việc số hoá trong sản xuất đã giúp cho hợp tác xã thuỷ sản Hưng Phát ở xã Quang Hưng, giảm tối đa nhân công lao động và tăng năng suất, sản lượng lên gấp nhiều lần. Anh Lưu Quang Dũng, giám đốc hợp tác xã cho biết trước đây khi chưa sử dụng công nghệ số trong sản xuất và quản lý, để bảo vệ những ao nuôi khỏi tình trạng câu đánh bắt trộm cá và các loại thuỷ sản, nhất là vào ban đêm và những ngày thời tiết xấu, anh Dũng và các công nhân phải trực tiếp đi kiểm tra từng khu vực nuôi thả thuỷ sản rất vất vả và tốn nhiều thời gian, công sức. Còn hiện nay khi mà sử dụng công nghệ số, ngồi ở nhà chỉ cần một chiếc điện thoại di động kết nối mạng internet là quan sát được hết toàn bộ các khu vực ao nuôi. Không chỉ ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nuôi trồng thuỷ sản mà HTX còn thực hiện trong việc tiêu thụ sản phẩm. Trước đây việc các kênh tiêu thụ chính của hợp tác xã bán cho các khách quen, thương hái hay siêu thị thì nay, hợp tác xã đã và đang tích cực tìm kiếm mở rộng thị trường và phát triển sang các kênh bán hàng hiện đại như trên sàn giao dịch thương mại điện tử: Sen đỏ.vn. Đây được coi là hướng mở hỗ trợ giải quyết bài toán tiêu thụ bền vững cho Hợp tác xã. Chia sẻ về lợi ích mang lại từ việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp. Có thể thấy, từ nhiều tác động khác nhau, người nông dân trên địa bàn huyện đang tiến dần sang chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của mình. Với bản lĩnh cần cù, sáng tạo, sẵn sàng thử sức với cái mới những người nông dân trên mảnh đất Phù Cừ đều có thể nhanh chóng tiếp cận và làm chủ những kỹ thuật hiện đại, tạo ra bước đột phá mới trong sản xuất. Từ đó, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của huyện nhà, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu./. Hoàng Nhung