30/10/2004 | lượt xem: 3 Huyện Phù Cừ - Thực trạng phát triển kinh tế xã hội 1. Đánh giá tổng quát việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của huyện đạt khá, năm sau cao hơn năm trước, có xu thế phát triển mạnh, bền vững. Mức tăng GDP bình quân hàng năm 12,45%. Trong đó Nông nghiệp là 10,5%; công nghiệp xây dựng 18,7%; thương mại dịch vụ 16,1%. Cơ cấu kinh tế đã có bước chuyển dịch mạnh mẽ. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp - Công nghiệp, xây dựng - thương mại, dịch vụ từ 71% - 11% - 18% năm 1997 lên 60% - 17% - 23% năm 2003. Do nền kinh tế có sự tăng trưởng khá, thực hiện các chương trình xoá đói giảm nghèo, khuyến khích các các thành phần kinh tế sản xuất kinh doanh có hiệu quả, biết cách làm giàu chính đáng, nên số hộ khá ngày càng tăng, số hộ nghèo ngày một giảm. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2003 còn 6%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 4 triệu đồng năm 2003. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có những chuyển biến rõ rệt, việc phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở được duy trì. Huyện có 5 trường đạt chuẩn quốc gia, đó là: Truờng tiểu học Trần Cao, Đoàn Đào, Tống Trân, Minh Tân và trường trung học cơ sở Trần Cao. Sự nghiệp y tế được quan tâm, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị. Mở rộng mạng lưới khám, chữa bệnh tới cơ sở. Đáp ứng được phần lớn yêu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ ban đầu của nhân dân trong huyện. Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng cho trẻ em trong độ tuổi đạt 100%. Tính đến năm 2003 toàn huyện có 1 bệnh viện, 1 phòng khám đa khoa và 14 trạm y tế xã với tổng số 19 bác sỹ, 1 dược sỹ đại học, 18 y sỹ, 11 y tá, 15 cán bộ y tế khác. 7 trạm y tế xã có bác sỹ, 85% số trạm y tế xã có nữ hộ sinh, 100% số thôn trong huyện có cán bộ y tế. Năm 2003 huyện đã có 16.705 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 33/45 làng được công nhận làng văn hóa, 25/56 cơ quan đơn vị trường học được công nhận cơ quan văn hóa. Phong trào văn hóa văn nghệ thường xuyên được quan tâm chỉ đạo, hầu hết các thôn đều có câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, nghệ thuật chèo truyền thống đã được khôi phục, toàn huyện có 8 đội hát chèo. 2. Thực trạng phát triển các ngành kinh tế Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được quan tâm đầu tư, 14/14 xã thị trấn trong huyện đã mở thêm được nghề mới. Một số nghề mới như mây tre đan, thêu tranh xuất khẩu, dệt,... đang phát triển. Những lĩnh vực chủ yếu mà sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện chú trọng là chế biến lương thực, thực phẩm, may mặc, sản xuất hàng dân dụng, sản xuất vật liệu xây dựng,... Trên thực tế, hoạt động sản xuất kinh doanh các ngành nghề gặp không ít khó khăn, nhưng nhiều ngành nghề đã thích ứng nhanh với cơ chế thị trường, bước đầu hướng vào sản xuất hàng hóa. Các ngành nghề trên địa bàn huyện thường tổ chức sản xuất ngay tại làng xã, sử dụng nguyên liệu, nguồn lao động nông nhàn tại chỗ, góp phần nâng cao đời sống dân cư, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng tích cực. Đến năm 2003 giá trị sản lượng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 65 tỷ 335 triệu đồng, (chiếm 17% trong cơ cấu kinh tế), tốc độ tăng trưởng bình quân 17,3%/năm. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tập trung chủ yếu vào 4 lĩnh vực chính: chế biến lương thực thực phẩm; may mặc, sản xuất hàng dân dụng; sản xuất vật liệu xây dựng; mây tre đan, thêu tranh xuất khẩu. Một số doanh nghiệp đã đầu tư trên địa bàn huyện, những đơn vị này cùng trên 1000 hộ gia đình tham gia sản xuất tiểu công nghiệp đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 3000 lao động trọng phạm vi 21 ngành nghề. Phấn đấu đến năm 2005, giá trị sản lượng công nghiệp, xây dựng chiếm 15% trong cơ cấu kinh tế toàn huyện. Nông nghiệp, thủy sản Cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành nông nghiệp chuyển dịch mạnh theo thướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, giảm tỷ trọng ngành trồng trọt. Năng suất lúa đạt cao và ổn định qua các năm. Năm 2003 giá trị sản lượng nông nghiệp đạt 287 tỷ 710 triệu đồng. Diện tích cây dâu tằm được mở rộng. Đến nay các hộ nông dân đã chuyển đổi được 124 ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao và nuôi thả cá. Hiện toàn huyện có 51 trang trại, 40% số trang trại có thu nhập ổn định từ 50 - 70 triệu đồng/ha. Giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha canh tác đạt khoảng 34 triệu đồng. Chăn nuôi gia cầm và thủy sản tiếp tục phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Chương trình nạc hóa đàn lợn và sind hóa đàn bò thực sự có hiệu quả. Toàn huyện hiện có 501 con lợn nái siêu nạc; 104 con bò sữa. Bên cạnh đó tập trung khai thác 709,8 ha diện tích ao, hồ, đầm đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào nuôi thả các giống cá có giá trị, chất lượng cao như rô phi đơn tính, cá chim trắng, chép lai ba máu, trê lai, tôm càng xanh... Năm 2003 sản lượng cá của huyện thu được ước tính đạt 2.978 tấn các loại. Thương mại, dịch vụ Thương mại, dịch vụ phát triển khá, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Đến nay, toàn huyện có 800 hộ kinh doanh thương nghiệp thu hút gần 1000 lao động, 370 hộ kinh doanh vận tải hàng năm hoạt động có hiệu quả, đưa tốc độ phát triển bình quân của toàn ngành hàng năm đạt 10,7%. Giá trị sản xuất ngành thương mại, dịch vụ năm 2003 đạt 79 tỷ 567 triệu đồng. Toàn huyện có 14 chợ nhỏ nông thôn ở 12 xã và thị trấn, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, trao đổi hàng hóa của nhân dân địa phương.
Phù Cừ ra mắt mô hình điểm "Khu dân cư thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang" và “Dòng họ tự quản về thực hiện văn minh trong việc tang”