Huyện Phù Cừ - Nguồn lực phát triển

Là huyện thuần nông, Phù Cừ đang nỗ lực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, để tạo nên diện mạo mới cho một vùng quê vốn còn nhiều khó khăn trên bước đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, địa danh và phạm vi hành chính của Phù Cừ đã bao lần thay đổi. Ngày 24/2/1997, Chính phủ ra Nghị định số 17/CP tách huyện Phù Tiên thành hai huyện Phù Cừ và Tiên Lữ. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân và dân huyện Phù Cừ đã huy động sức người, sức của cho tuyền tuyến.

Năm 2000, Phù Cừ vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong xây dựng và phát triển, Đảng bộ và nhân dân Phù Cừ đã nhanh chóng vượt qua mọi khó khăn, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tích cực thúc đẩy sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và bước đầu thu được những thành công, tạo nên diện mạo mới cho một vùng quê trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước.

1. Điều kiện tự nhiên

Vị trí địa lý: Phù Cừ nằm ở phía đông nam của tỉnh Hưng Yên, phía đông giáp huyện Thanh Miện (Hải Dương), phía nam giáp tỉnh Thái Bình và được ngăn cách bằng ranh giới tự nhiên là sông Luộc, phía Tây giáp huyện Tiên Lữ, phía Bắc giáp huyện Ân Thi. Huyện có 14 đơn vị hành chính xã, thị trấn.

Đặc điểm địa hình: Địa hình huyện khá bằng phẳng, thấp dần từ tây sang đông, từ bắc xuống nam.

Khí hậu: Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, có hai mùa rõ rệt. Lượng mưa trong năm thường phân bố không đều giữa các mùa và các tháng.

2. Tài nguyên thiên nhiên

Phù Cừ có diện tích đất tự nhiện là 93,82 km2, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 6.984,72 ha, chiếm 74,4% diện tích đất tự nhiên của huyện và 10,52% diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Dân số 85.805 người, chiếm 8,17% dân số toàn tỉnh Hưng Yên. Đất đai của huyện Phù Cừ cho phép phát triển nông nghiệp toàn diện, có khả năng quay vòng cao với nhiều loại cây trồng đa dạng, phong phú, kể cả các loại cây có giá trị kinh tế cao.

Trên địa bàn huyện có hệ thống sông ngòi toả rộng trên  các xã, đã cơ bản đáp ứng phục vụ tưới tiêu kịp thời cho sản xuất. Phía bắc có sông Kẻ Sặt, phía nam có sông Luộc. Ngoài ra còn có nhiều sông khác tuy nhỏ, ngắn nhưng cũng góp phần đảm bảo phục vụ tưới tiêu nội đồng được thuận tiện.

3. Kết cấu hạ tầng

Những năm qua, hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện được chăm lo đầu tư phát triển. Mạng lưới giao thông đường bộ tương đối dày đặc, có quốc lộ 39B chạy qua, nối hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương; tỉnh lộ 202 chạy qua trung tâm huyện nối với tỉnh Thái Bình và huyện Ân Thi, qua huyện Yên Mỹ đi Hà Nội rất thuận tiện. Theo hệ thống sông Luộc, vận tải đường sông là một lợi thế để phát triển kinh tế đường thủy với các tỉnh bạn, các huyện bạn trong vùng.

Hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp. Huyện có 100% các xã, thị trấn được sử dụng lưới điện quốc gia và phủ sóng điện thoại. Đến nay toàn huyện có 3.126 máy điện thoại, bình quân 3,5 máy/100 dân. Huyện đã xây dựng và đưa vào hoạt động Đài truyền thanh huyện và 14 trạm truyền thanh xã. Nhà văn hóa huyện đã hoàn thành và đi vào hoạt động tốt.

4. Tiềm năng du lịch

Phù Cừ là một địa danh gắn liền với khởi nghĩa Bãi Sậy trong đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược. Trên địa bàn huyện có nhiều di tích lịch sử văn hóa quý giá để phát triển du lịch. Toàn huyện có 6 di tích lịch sử văn hóa được Bộ văn hóa thông tin xếp hạng. Đặc biệt trên địa bàn huyện vẫn còn lưu giữ được một quần thể di tích lịch sử văn hóa đền thờ Lưỡng quốc trạng nguyên Tống Trân.

5. Nguồn nhân lực

Dân số  toàn huyện năm 2003 là 85.805 người. Số lao động trong độ tuổi 52.288 người, trình độ dân trí của huyện tương đối khá. Đó là nguồn nhân lực lao động dồi dào tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế.

Đặng Quân

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
19 người đang online