30/10/2004 | lượt xem: 11 Huyện Phù Cừ - Định hướng phát triển các ngành kinh tế 1. Các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Phát huy nội lực, khai thác mọi tiềm năng thế mạnh của huyện, khắc phục khó khăn, tranh thủ thời cơ thuận lợi, nhằm đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, đồng bộ và vững chắc. Phấn đấu đảm bảo nhịp độ tăng trưởng GDP hàng năm trong thời kỳ 2001- 2005 là 10 - 10,5%/năm, thời kỳ 2006 - 2010 là 11-12,45%/năm. Nhanh chóng giảm khoảng cách chênh lệch GDP bình quân đầu người hàng năm so với mức trung bình của tỉnh. Đến năm 2005 GDP bình quân đầu người đạt 400 USD đến năm 2010 đạt 650 - 700 USD. Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ổn định ở mức 0,6%/năm giai đoạn 2001 - 2005 và giảm xuống dưới 0,5% vào giai đoạn 2006 - 2010. Trong thời kỳ 2001 - 2005 mỗi năm tạo thêm việc làm mới cho từ 1.000 - 1.500 lao động. Phấn đầu đến năm 2005 có 100% số dân được dùng nước sạch; 65% số làng đạt danh hiệu làng văn hóa và 80% số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; đến năm 2010 có 100% số phòng học được xây dựng kiên cố cao tầng; 100% trạm y tế xã có bác sĩ. Phấn đấu đến năm 2005 cơ cấu kinh tế nông nghiệp 55%, công nghiệp xây dựng 15%, thương mại dịch vụ 30%. Với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 12,45% /năm. 2. Định hướng phát triển các ngành kinh tế Công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp Duy trì và phát triển các ngành nghề hiện có, khai thác có hiệu quả cụm công nghiệp làng nghề Đình Cao. Tích cực kêu gọi, khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư mở rộng hình thức kinh doanh, mở mang ngành nghề, phát triển cụm công nghiệp huyện lỵ và các cơ sở may mặc, dệt, mộc, cơ khí, chế biến nông sản thực phẩm, nước giải khát... mở rộng sản xuất kinh doanh dịch vụ tư vấn đầu tư. Trước hết đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, tranh thủ mọi nguồn vốn đầu tư, kể cả đầu tư nước ngoài nhằm phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2005, công nghiệp, xây dựng chiếm 15% cơ cấu kinh tế toàn huyện. Nông nghiệp, thủy sản Tập trung chỉ đạo chuyển nhanh diện tích cấy lúa và cây lương thực kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Phấn đấu chuyển đổi được 500 ha diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Chuyển đổi cơ cấu mùa vụ tạo điều kiện để mở rộng diện tích cây vụ đông. Khuyến khích trồng các loại cây rau màu, củ, quả có giá trị kinh tế cao như đậu tương, ngô, dưa chuột xuất khẩu, cà chua, salat... Tích cực thâm canh tăng sản lượng vải lai, đẩy mạnh phong trào cải tạo vườn tạp trên quy mô toàn huyện, loại bỏ những cây trồng kém hiệu quả, sản lượng hàng hóa thấp để trồng vải lai, nhãn có chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, có khả năng tạo sản lượng hàng hóa lớn. Thu nhập từ cây ăn quả đặc sản mà chủ yếu là vải lai và nhãn bình quân hàng năm đạt 5 - 6 tỷ đồng. Bằng các biện pháp tích cực nhất khai thác triệt để mặt nước ao, hồ, đầm nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp, tạo khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao, đưa chăn nuôi thủy sản thành ngành sản xuất chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nông nghiệp. Thương mại và dịch vụ Trong những năm tới ngành thương mại của huyện sẽ thực hiện tốt các khâu cuối cùng của quá trình sản xuất, đồng thời phải làm cho được vai trò là cầu nối giữa người tiêu dùng và người sản xuất, không chỉ trên địa bàn huyện mà còn trên địa bàn tỉnh và các huyện, thị trường phụ cận. Cung ứng kịp thời, đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt của nhân dân. Tăng cường quản lý thị trường, nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ các mặt hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường, địa bàn huyện. Chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm sản xuất ra trên địa bàn huyện, nhất là các mặt hàng nông sản thực phẩm. Đặng Quân
Phù Cừ ra mắt mô hình điểm "Khu dân cư thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang" và “Dòng họ tự quản về thực hiện văn minh trong việc tang”