22/02/2023 | lượt xem: 6 Dưa lưới thêm 'ngọt' nhờ áp dụng công nghệ cao Với mục tiêu tạo ra sản phẩm dưa lưới sạch, chất lượng, HTX An Thịnh Phát ở thôn An Cầu, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên đã từng bước áp dụng công nghệ cao vào từng khâu sản xuất, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các thành viên. HTX Nông Thịnh thành công với nhà màng trồng dưa lướiCông nghệ cao tạo nên thương hiệu dưa lưới GreenKhoa học công nghệ nâng tầm thương hiệu dưa lưới Kim Long Đến thăm HTX An Thịnh Phát chắc hẳn ai cũng không khỏi ngỡ ngàng trước những khu nhà màng khang trang, hiện đại, bên trong là hàng nghìn cây dưa lưới sai trĩu quả đang chờ ngày thu hái... Nhưng ít ai biết rằng trước khi có được những mùa vụ bội thu như hiện tại, HTX đã từng trải qua nhiều lần thất bại. Áp dụng công nghệ vào sản xuất Đứng bên những khóm dưa lưới đang đang phát triển xanh tốt, anh Bùi Văn Phương, Giám đốc HTX An Thịnh Phát không khỏi xúc động nói: "Năm 2016, chúng tôi bắt đầu đưa giống dưa lưới vào trồng tại 400m2 trong nhà màng. Tuy nhiên, trong vụ trồng đầu tiên này, toàn bộ diện tích dưa lưới bị đổ sập chỉ sau một trận mưa bão. Vụ thứ 2 rồi vụ thứ 3, chúng tôi vẫn liên tiếp thất bại do chưa nắm vững kỹ thuật trồng dưa và chưa đầu tư bài bản". HTX có được thành công sau khi được chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng dưa lưới trong nhà màng theo tiêu chuẩn VietGAP Trong lúc loay hoay chưa tìm ra cách khắc phục khó khăn, năm 2018, HTX An Thịnh Phát được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên động viên, hỗ trợ 100% giống dưa, 30% kinh phí làm nhà màng, giá thể cùng hệ thống tưới, thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, HTX được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng dưa lưới trong nhà màng theo tiêu chuẩn VietGAP. Được chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn cùng với kinh nghiệm sau nhiều lần thất bại, HTX An Thịnh Phát đã mạnh dạn đầu tư nhà màng với diện tích 5.000m2. Trong diện tích nhà màng này, HTX trồng 6 giống dưa lưới khác nhau với mật độ khoảng 2.400 - 2.600 cây/1.000m2. Mỗi cây dưa lưới trồng trong một bầu giá thể, được lót bạt cao su cách ly với nền đất. Yếu tố quyết định thành công của mô hình là kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào, áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt để cung cấp các nguồn chất dinh dưỡng cho cây phát triển. Theo đó, hệ thống tưới nước có dinh dưỡng được cài đặt tự động theo nhu cầu của từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Nước chứa chất dinh dưỡng được tưới 8 - 10 lần mỗi ngày, mỗi lần 100 - 200 ml, đều chính xác cho mỗi cây nên dưa phát triển rất đồng đều. Trồng dưa trong nhà màng rất ít bị sâu bệnh, năng suất cao và ổn định. Đặc biệt, có thể trồng các vụ nối nhau liên tiếp mà dừng để cải tạo đất. Chính vì vậy, đến nay 100% diện tích sản xuất của HTX đã được ứng dụng công nghệ cao, từ khâu chọn giống, gieo hạt, ươm mầm, đến trồng thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh Nguyễn Văn Việt, người lao động tại HTX An Thịnh Phát chia sẻ: “Công việc của chúng tôi trong nhà màng chủ yếu là cắt tỉa cành lá dư thừa và thu hoạch. Còn lại các khâu còn lại cơ bản đã được tự động hóa”. Đầu tư hoàn thiện chuỗi sản phẩm Trong sản xuất nông nghiệp, việc trồng trong nhà màng, áp dụng công nghệ cao và tuân thủ đúng khoa học kỹ thuật là một trong những giải pháp để tạo ra những sản phẩm sạch và an toàn. Chính vì vậy, trong thời gian qua, HTX An Thịnh Phát đã đầu tư hàng tỷ đồng để trang bị nhà màng và hệ thống tưới tự động. Việc trồng trong nhà màng, áp dụng công nghệ cao đã tạo ra những sản phẩm sạch và an toàn Theo đó, chi phí đầu tư ban đầu bình quân khoảng 600 triệu đồng/1.000m2 (bao gồm nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt, giá thể, dây leo…) và chi phí sản xuất mỗi vụ khoảng 50 triệu đồng/1.000m2 (gồm chi phí hạt giống, phân bón, giá thể, điện, nước. Theo Giám đốc Bùi Văn Phương, trồng dưa lưới tuy vốn đầu tư cao, kỹ thuật tương đối khó, nhưng biết áp dụng đúng quy trình kỹ thuật thì hiệu quả rất lớn. Hiện tại, giá bán dưa lưới loại 1 tại vườn khoảng 40.000 - 45.000 đồng/kg và 28.000 - 30.000 đồng/kg với dưa loại 2. Dưa lưới trồng trong nhà màng của HTX từ lúc trồng đến khi thu hoạch khoảng 80 - 100 ngày. Sản lượng quả ước đạt 60 tấn trên diện tích 5.000m2, mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm cho HTX. Đáng chú ý, sản phẩm được các doanh nghiệp bao tiêu, mua tại vườn với giá ổn định. Dưa lưới hiện được tiêu thụ mạnh tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn và nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Trong năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19 dẫn đến sức mua có giảm. Tuy nhiên, để khắc phục, HTX An Thịnh Phát đã chủ động tìm kiếm, liên kết với một số doanh nghiệp để tìm đầu ra mới cho sản phẩm. Do đó, số lượng dưa sạch theo tiêu chuẩn VietGAP mà HTX sản xuất đều được tiêu thụ hết. Ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên đánh giá, trồng dưa vàng, dưa lưới áp dụng công nghệ cao trong nhà màng làm tăng năng suất, giảm chi phí lao động, phân bón, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng chất lượng quả, giảm giá thành sản xuất, ổn định sản lượng, tránh tác động bất thuận của thời tiết so với trồng ngoài đồng ruộng. “Từ những nỗ lực của Ban giám đốc và các thành viên, trong thời gian tới, HTX An Thịnh Phát dự định sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng dưa trong nhà màng áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Cùng với đó, HTX sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn nữa chuỗi sản xuất khép kín cho sản phẩm dưa lưới từ khâu chọn giống tới liên kết để tìm đầu ra cho sản phẩm”, Giám đốc Bùi Văn Phương chia sẻ Nguồn:https://vnbusiness.vn/
Phòng Văn hóa và Thông tin huyện ban hành Công văn về việc hỗ trợ tuyên truyền Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023