Đền Tống Trân - Di tích lịch sử cấp quốc gia

Đền Tống Trân tọa lạc trên một khu đất cao và thoáng ở phía Nam thôn An Cầu, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Đến với đền Tống Trân du khách sẽ được ngắm dòng sông Luộc trong xanh, dạo bước trên triền đê và thưởng thức hương thơm dịu mát cùng với vẻ đẹp của các đầm sen đang đua nhau nở rộ vào những ngày hè.

         Đền Tống Trân tọa lạc trên một khu đất cao và thoáng ở phía Nam thôn An Cầu, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Đến với đền Tống Trân du khách sẽ được ngắm dòng sông Luộc trong xanh, dạo bước trên triền đê và thưởng thức hương thơm dịu mát cùng với vẻ đẹp của các đầm sen đang đua nhau nở rộ vào những ngày hè.

       Con đường dẫn vào Đền được trải dài bởi những hàng cây xanh tốt hai bên, tạo không gian thoáng đãng và linh thiêng cho ngôi Đền. Đền Tống Trân có tên tự: “Tiên căn linh từ”, tên nôm: Đền Thượng, đền Quan Trạng, nhân dân thường gọi là Đền Tống Trân. Tương truyền vào thời vua Lý Nam Đế ở xã An Đô, tổng Võng Phan, huyện Phù Dung (nay là thôn An Cầu, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) có một người họ Tống tên gọi Thiệu Công thuộc dòng dõi thi thư, trong gia đình hiếu lễ, ngoài xã hội khoan hòa. Tống Thiệu Công lấy vợ người xã Phù Oanh (cùng huyện) tên là Đào Thị Cuông. Hai vợ chồng sống rất nhân từ, tu nhân tích đức, làm nhiều việc thiện, những việc làm ấy đã thấu tận trời xanh, nhà trời đã sai thiên sứ xuống đầu thai. Đến tuổi lục tuần hai người mới có con. Bà Cuông mang thai hơn 11 tháng đến giờ Dần ngày rằm tháng tư năm Bính Ngọ (556) mới hạ sinh một cậu bé khôi ngô tuấn tú và đặc biệt trong suốt ba ngày ba đêm trong nhà luôn tỏa ánh hào quang, hai ông bà rất vui mừng bèn đặt tên cho con là Tống Trân. Tống Trân lớn nhanh như thổi lên 3 tuổi đã tinh thông hết Âm luật, tỏ rõ là người có khí chất thông minh, thiên tư sáng suốt, học một biết mười. Gia đình đang sống yên vui, hòa thuận thì chẳng may Tống Thiệu Công lâm bệnh trọng và qua đời khi Tống Trân mới hơn 3 tuổi. Từ đó, gia cảnh ngày một sa sút, Tống Trân đã phải dắt mẹ đi ăn xin khắp nơi. Một hôm hai mẹ con Tống Trân lang thang hành khất đến đạo Sơn Tây và vào ăn xin ở một gia đình Trưởng Giả giàu có nhưng rất keo kiệt và gian ác. Khi thấy mẹ con Tống Trân hắn liền đuổi đi và không ngớt lời chửi mắng. Lúc ấy Cúc Hoa con gái Trưởng Giả là một người nhân ái và giàu tình thương người nên đã lén lút đem cơm cho hai mẹ con ăn, không may Trưởng Giả bắt gặp, trong cơn tức giận, hắn liền đuổi nàng đi và từ chối không nhận con. Vì thế, mẹ con Tống Trân đã đưa Cúc Hoa đi cùng. Họ cùng nhau trở về quê cũ làm ăn. Cúc Hoa đảm đang nuôi cả gia đình, còn Tống Trân ngày đêm rùi mài kinh sử chờ đến kỳ thi.

       Năm Tống Trân lên 7 tuổi vua Lý Nam Đế (544-548) mở khoa thi chọn nhân tài và ngày 29 tháng 9, Tống Trân vào kinh ứng thí, cả ba kỳ thi đều đỗ thủ khoa. Đến ngày mồng 1 tháng 2 đỗ “đệ nhất Giáp Cập đệ nhất danh” tức trạng nguyên. Vua khen rằng “Quốc sỹ vô song quốc tài quả nhị” nghĩa là: Kẻ sỹ cả nước chỉ có một, tướng tài không có người thứ hai. Sau đó Vua ban cho cờ biển, 1000 vuông gấm và 10 đĩnh vàng cho về vinh quy bái tổ.

       Trở về làng, Tống Trân bái yết tổ tông, thăm hai bên nội ngoại, khao vọng dân làng, sau đó Tống Trân hỏi cưới Cúc Hoa làm vợ. Tống Trân dựng nhà ở làng Phù Oanh (quê ngoại) cho mẹ và vợ ở rồi trở lại kinh thành. Được ba tháng, Vua cử Ngài đi sứ Bắc quốc 10 năm. Vua sứ người nhiều lần thử tài Tống Trân nhưng quan Trạng đều ứng đối trôi chảy, xử thế mưu trí được Vua Tàu khen là nhân tài thứ nhất trong 18 nước chư hầu và phong làm Lưỡng Quốc Trạng Nguyên (Trạng Nguyên hai nước). Vua tàu muốn gả con gái cho nhưng chàng từ chối. Vì thế Tống Trân bị Vua giam vào chùa Linh Long trong 100 ngày, không cho thức ăn, nước uống nội bất xuất, ngoại bất nhập. Trong những ngày bị giam cầm, ông đã phát hiện ra tượng Phật được làm bằng chè lam có thể ăn được. Ngài đã ra lệnh cho quân sĩ ăn tượng phật, uống nước cúng. Sau 100 ngày vua thấy trạng và quân sĩ vẫn béo tốt khỏe mạnh Vua Tàu rất phục tài trí của ông và phong làm “Phụ quốc Thượng tể Đẩu Nam Tống Đại vương”

      Trong mười năm đi sứ nước người, tuy không có tin tức gì của Tống Trân nhưng Cúc Hoa vẫn một lòng hiếu thuận và chăm sóc mẹ chồng chu đáo. Nàng vẫn ngày đêm mong ngóng tin chồng, giữ chọn tình thủy chung son sắc. Nhưng cha nàng đã bắt nàng lấy con nhà giàu. Được tin Tống Trân trở về và giả dạng người hành khất để dò la tình ý, biết Cúc Hoa vẫn một lòng chờ đợi mình. Chàng khen Cúc Hoa thực là người hiếu thuận, thủy chung. Sau đó, Tống Trân làm rõ bộ mặt xấu xa của Trưởng giả và đón mẹ và vợ về quê đoàn tụ. Nghe chuyện về lòng hiếu thảo và thủy chung của Cúc Hoa, nhà vua cảm động và phong nàng là “Quận phu nhân”

      Sau khi Tống Trân về nước, Công chúa nước Tàu ngày đêm thương nhớ bèn xin vua cha cho sang đất Việt tìm Tống Trân. Nhà Vua vì thương con nên đã ưng thuận và phái đoàn tùy tùng theo bảo vệ nàng. Đoàn người theo đường biển xuống phương Nam nhưng trên đường đi chẳng may gặp bão lớn, công chúa bị đánh dạt vào bờ. Sau nhiều ngày lưu lạc trong rừng, tình cờ một hôm Nàng gặp được Tống Trân cũng đi săn trong rừng đó. Tống Trân đưa nàng về nhà và kể lại toàn bộ câu chuyện cho Cúc Hoa nghe. Cảm động trước tình cảm chân thành mà nàng Công chúa Bắc quốc đã giành cho Tống Trân nên Cúc Hoa vui lòng giữ nàng ở lại. Với tấm lòng bao dung độ lượng, nàng đã đồng ý để Tống Trân lấy Công chúa Bắc quốc. Từ đó, ba người sống hòa thuận hạnh phúc.

      Về sau, Tống Trân còn ra làm quan “Phụ chính đại thần” được hơn 10 năm, đến khi ngoài 60 tuổi ông mới dâng biểu cáo quan về quê. Tuy tuổi già sức yếu nhưng ông vẫn mở lớp dạy học cho con em các nhà nghèo trong làng. Còn nàng Cúc Hoa không có con, lại mắc chứng bệnh đau bụng vào ngày mồng 3 tháng 3 thì qua đời. Năm năm sau, Tống Trân mắc bệnh và mất ngày mồng 5 tháng 5 năm Tân Hợi (621). Nhận được tin ông mất, triều đình đã cho sứ thần mang sắc chỉ và vàng bạc về địa phương cùng với nhân dân xây dựng đền để tôn thờ Ngài. Triều đình phong cho ông là “Thưởng đẳng tối linh phụ quốc Tống Trân đại vương”. Về sau ông được truy phong làm “Thượng đẳng phúc thần”. Triều đình sắc chỉ cho nhân dân địa phương hương khói lâu dài.

       Để tưởng nhớ công ơn của Trạng Nguyên Tống Trân ngài được lập đền thờ ngay sau khi mất và được nhân dân thờ phụng. Đền tọa lạc trên một khu đất cao, đẹp thuộc địa phận thôn An Cầu, xã Tống Trân. Ngôi đền nằm tách biệt với khu dân cư trên khuôn viên rộng khoảng 5 mẫu Bắc Bộ. Đền còn là cơ sở cách mạng những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1950 ngôi đền đã bị phá hủy hoàn toàn, qua nhiều lần trùng tu tôn tạo đến năm 1998 đền Tống Trân được trùng tu toàn bộ.

       Di tích có kết cấu kiến trúc hình chữ Nhị gồm hai tòa tiền tế và hậu cung. Xung quanh đền là những cây cổ thụ vươn cao, xòe rộng che mát cho toàn bộ khuôn viên di tích.

      Từ ngoài vào, chúng ta sẽ dảo bước trên con đường nhỏ, hai bên là những hàng cây tỏa bóng mát. Tiếp đến là Nghi môn xây hai tầng tám mái. Phần cổ diêm ghi chữ Hán “Lưỡng Quốc Trạng Nguyên từ môn” (cổng đền Lưỡng Quốc Trạng Nguyên). Qua nghi môn là đến khoảng sân rộng lát gạch. Giữa khoảng sân là táp môn hình cuốn thư đề tài thơ chữ Hán nội dung ca ngợi cảnh đẹp ngôi đền. Trước sân là “ao mắt rồng” quanh năm nước trong xanh. Nước trong ao thường được dùng để vo gạo, nấu xôi, đóng oản vào mỗi dịp lễ hội của đền. Bao quanh ao là hồ rộng được trồng sen, mỗi mùa sen nở tỏa hương thơm ngát cả khu đền.

         Kế tiếp với sân là tòa tiền tế gồm 3 gian 2 chái được làm theo kiểu tường hồi bít đốc. Giữa đường bờ nóc là đầu hổ phù ngậm chữ Thọ và đôi mặt nguyệt. Hai bên là lưỡng long uốn lượn và chầu mặt trăng. Kết thúc bờ nóc là đấu vuông xây giật cấp. Hai bờ dải xây thẳng, cuối đường bờ dải là 2 cột đồng trụ. Đỉnh cột trụ đắp hình phượng lá lật. Thân cột trụ ghi câu đối chữ Hán. Tiền tế có mái lợp ngói mũi. Ngăn cách giữa lòng nhà và hiên là 3 luồng cửa bức bàn. Trên các bức chấn phong 3 gian tiền tế đều chạm khắc hoa lá cách điệu và ghi chữ Hán.

          Trong gian Tiền tế nền ở 2 đầu hồi cao hơn nền của 3 gian giữa một khoảng là 45cm. Nền nhà lát gạch chỉ. Hệ thống kê chân cột là tảng hình quả bồng. Đỡ phần mái là các bộ vì kèo kết cấu theo kiểu giá chiêng, các cấu kiện được bào trơn đóng bén tạo nên vẻ chắc khỏe, vững trãi cho tòa nhà.

        Tại gian giữa đặt bàn thờ Công đồng với nhiều đồ thờ tự như: bát hương, chân đèn, lọ lục bình… phía trên bàn thờ là 3 bức cửa võng sơn son thếp vàng, treo hàng ngang 3 gian giữa. Cửa võng gian giữa chạm khắc đề tài rồng chầu ngọc. Trung tâm cửa võng là một đầu rồng lớn với râu và đao mác dữ tợn, ngậm viên ngọc. Xung quanh con rồng chính là nhiều rồng nhỏ uốn lượn, châu đầu vào giữa xen lẫn với hoa dây. Cửa võng hai gian bên chạm đề tài chính là hoa cúc mãn khai. Một bông cúc lớn đang độ nở rộ chạm ở giữa, hai bên là đề tài tứ linh xen lẫn tứ quý.

          Phía trên cửa võng là bức Đại tự chữ Hán “Lưỡng Quốc Trạng Nguyên” (Trạng Nguyên hai nước). Gian bên phải treo bức cuốn thư, gian bên trái là bức trâm viết bằng chữ Hán, nét chữ thanh thoát, sắc nét. Bức trâm đề 8 câu thơ ca ngợi cảnh đẹp của vùng đất cũng như không gian phong quang, thoáng đãng của khu đền.

          Trên hệ thống cột tòa Tiền tế còn treo những đôi câu đối ca ngợi mảnh đất địa linh của huyện Phù Dung:

“Đức phối Nhị vương, an quận ninh khang ca thánh trạch

Công cao thiên cổ, Phù Dung hiển tích tạ thần lưu”.

Nghĩa là:

“Đức sánh hai Vua, an quận yên lành nhờ thánh trạch

Danh lưu muôn kiếp, Phù Dung linh ứng tỏ thần công”.

      Bên cạnh đó còn những câu đối ngợi ca Tống Trân:

“Văn vũ bẩm toàn tài, kháng ngụy, sánh Ngôi cái thế huân danh minh Việt sử.

Bắc Nam dai cử thủ phong, tích tước huy niên thang mộc trang lăng từ”.

Nghĩa là:

“Toàn tài văn võ, dẹp Ngô đánh ngụy, muôn kiếp công lao ghi sử sách

Quy phục Bắc Nam, phong vương tiến tước nghìn năm đất tổ tế lăng từ”.

      Từ tiền tế qua hai cửa ngách là vào đến hậu cung. Hậu cung làm kiểu tường hồi bít đốc gồm ba gian hai chái. Nền nhà lát gạch bát. Kết cấu hai bộ vì giữa có kiến trúc kiểu giá chiêng. Hai vì hồi làm kiểu vì ván mê, giữa bộ vì là đầu hổ phù ngậm chữ Thọ và xung quanh là hoa dây. Các đầu dư đều chạm đầu rồng cách điệu với đao mác dựng ngược. Cách tạo tác này vừa có tác dụng chịu lực vừa để trang trí, phần nào làm bớt đi sự thô cứng của các cấu kiện kiến trúc.

      Gian giữa hậu cung là nơi đặt khám và tượng thờ Trạng Nguyên Tống Trân, tượng có kích thước tương đối nhỏ (cao 60cm) trong tư thế ngồi. Đầu tượng đội mũ cánh chuồn. Khuôn mặt tượng trông thông minh, tươi tắn và có nét chững chạc. Đây là pho tượng mô phỏng lúc Tống Trân mới lên 7 tuổi, khi vừa đỗ Trạng nguyên. Hai bên ban thờ là lỗ bộ và cờ Tiết mao. Đây là điểm khác biệt, chỉ những vị quan bên Tàu mới được thờ cờ Tiết mao. Phía trước khám thờ là bát hương cổ men lam, đường kính miệng là 22cm. Bát hương trang trí đề tài bát tiên.

      Hai gian bên là ngai thờ Dương Tam Kha và Đoàn Thượng. Dương Tam Kha vốn được thờ tại đền xóm Kiều Nguyễn, còn Đoàn Thượng thờ tại đình xóm An Bến nhưng trong kháng chiến hai di tích này đã bị phá hủy nên nhân dân trong thôn đón các ngài về phối thờ cùng với Tống Trân.

      Nối với hậu cung tại gian giữa là một gian cung cấm được ngăn cách với tòa ngoài là luồng cửa bức bàn 4 cánh trang trí đề tài: “Phù Dung chim trĩ” đan xen nhau. Phía trên là bức cửa võng sơn thếp vàng chạm lưỡng long chầu nguyệt. Hai bên cửa võng là thân cây trúc chạm cách điệu thành thân rồng mềm mại uyển chuyển.

      Trung tâm gian cung cấm có đặt một khám thờ, trong khám là tượng Trạng nguyên Tống Trân trong tư thế ngồi trên bệ. Tượng có khuôn mặt già, đĩnh đạc. Tương truyền đây là hình ảnh ngài khi ngoài 60 tuổi, từ quan về quê mở lớp dạy học cho con em trong làng. Tượng có kích thước cao 80cm, rộng ngang vai 45cm. Tại cung cấm còn lưu giữ một số di vật quý là đôi lọ hoa cổ niên đại thời Thanh, làm từ chất liệu sứ men lam. Trên thân lọ trang trí hình lá đề, hoa dây, sóng nước. Phía trước khám thờ là bát hương cổ, đường kính miệng 20 cm. Thân bát hương trang trí đề tài lưỡng long và hình sóng nước. Tại di tích còn lưu giữ một cuốn thần tích và 7 đạo sắc phong có niên đại thời Nguyễn ghi nhận công lao của vị Trạng nguyên Tống Trân.

Chính điện, nơi thờ tượng, ngai và mũ của Lưỡng quốc Trạng nguyên Tống Trân

      Có thể nói, đền Tống Trân còn tương đối đồng bộ từ kiến trúc tới không gian cảnh quan và đồ thờ tự. Tất cả tạo nên một không gian tâm linh, thành kính của nhân dân đối với Lưỡng quốc Trạng Nguyên. Đồng thời nó cũng tạo nên vẻ đẹp hài hòa, cổ kính cho làng quê văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ.

      Trong khuôn viên di tích, ngoài khu thờ chính còn có đền Mẫu là nơi thờ vọng bà Cúc Hoa, người vợ hiền tần tảo của Tống Trân. Nàng cũng là người thay chàng chăm sóc mẹ trong suốt 10 năm khi Tống Trân đi sứ.

      Nhà Mẫu mới được phụng dựng lại trong những năm gần đây trên nền móng cũ với kiến trúc kiểu đơn giản. Tòa nhà có kiến trúc hình chữ Đinh gồm hai tòa tiền tế và hậu cung. Tiền tế gồm ba gian hai trái, kiến trúc theo kiểu vì kèo đơn giản. Các cấu kiện được bào trơn đóng bén không chạm khắc hoa văn. Gian giữa là nơi đặt tượng thờ bà Cúc Hoa. Ngai được chạm kiểu chân quỳ, mặt trước là hình hổ phù. Các nghệ nhân xưa đã sử dụng kỹ thuật chạm lộng, chạm thủng để tạo thành các đề tài trang trí như: tứ linh, tứ quý, hoa văn sóng nước, hình lá đề… Thân và tay ngai được tạo tác từ hai con rồng cách điệu. Phía trước ngai thờ là bát hương thời Nguyễn men lam. Bát hương có đường kính miệng là 25 cm, thân trang trí đề tài lưỡng long chầu nguyệt.

      Gian bên phải tiền tế treo quả chuông đồng cổ, đường kính miệng là 30cm. Thân chuông khắc dòng niên đại vào năm Tự Đức thứ 22 (1869), hai gian bên tiền tế là ban thờ các vong, thờ hậu, đây là những người góp công, góp của tu sửa đền.

      Nối với tiền tế ở gian giữa là ba gian hậu cung có kiến trúc đơn giản. Gian ngoài là ban thờ Mẫu. Gian cung cấm là nơi đặt tượng và khám thờ bà Cúc Hoa. Tượng được tạo tác từ chất liệu gỗ trong tư thế ngồi khoanh tròn, tay cầm quạt, đầu đội mũ, mặc áo choàng. Khuôn mặt bà hiền từ, thanh thoát, miệng hơi mỉm cười. Hai bên khám thờ là ban thờ thân phụ và thân mẫu bà Cúc Hoa.

      Nhìn chung, hạng mục công trình tuy mới phục dựng nên kiến trúc tương đối mới nhưng từ kết cấu kiến trúc, đến cách bài trí đồ thờ tự đều theo chuẩn thức truyền thống tạo nên vẻ đẹp linh thiêng, thành kính cho di tích.

      Để tưởng nhớ đến công lao của bậc hiền tài, hàng năm lễ hội đền Tống Trân được tổ chức từ ngày 10-17/4 âm lịch, trong đó ngày 13 và ngày 14 là ngày hội chính.

      Ngày 13 tiến hành rước kiệu từ các đền, chùa trong làng như: đền Lê Xá, chùa Thánh Ân… về tụ hội ở đền Tống Trân. Trong ngày chính hội (ngày 14/4) dân làng rước kiệu quan Trạng đi vòng quanh làng với đoàn tùy tùng, cờ, võng lọng rất uy nghi. Sau đó dân làng tập trung tại đền Tống Trân để tổ chức tế lễ. Đến ngày 16, nhân dân lại rước kiệu về các đình, đền, chùa an vị. Ngày 17 làm lễ bế hội.

      Trong những ngày diễn ra lễ hội, dân làng cùng khách thập phương được hòa mình vào những sinh hoạt văn hóa, phong phú, đa dạng như: hát quan họ, hát chèo… và các trò chơi dân gian: cờ múa, múa lân, múa rồng, chọi gà, kéo co…. với những nghi lễ cùng nhiều trò chơi dân gian phong phú đã đưa lễ hội đền Tống Trân trở thành một lễ hội lớn nhất của huyện Phù Cừ, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia. Đây cũng là nét đẹp của văn hóa góp phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

      Với các giá trị trên, đền Tống Trân được nhà nước xếp hạng là di tích “ Lịch sử” cấp Quốc gia năm 1991.

 

 

Nguyễn Nhàn/Phòng VHTT huyện

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
24 người đang online