01/07/2021 | lượt xem: 3 BẢO HIỂM XÃ HỘI HUYỆN PHÙ CỪ ĐẨY MẠNH VÀ PHÁT TRIỂN LOẠI HÌNH BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình Bảo hiểm xã hội được Đảng và nhà nước bảo hộ về quyền lợi của người lao động và nhân dân. Khi tham gia, người dân được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và được Nhà nước hỗ trợ một phần tiền đóng, được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. Thời gian qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh covid-19, nhưng nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn huyện vẫn tăng và đang dần khẳng định vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Đến hết tháng 5/2021, số người dân trên địa bàn huyện tham gia loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện là 696 người, đạt 62,4% kế hoạch tỉnh giao. Tổng số thu bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1 tỷ 630 triệu đồng. Mặc dù công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chịu tác động và gặp không ít khó khăn trước sự ảnh hưởng của dịch bệnh covid 19, nhưng Bảo hiểm xã hội huyện đã có nhiều giải pháp để phát triển đối tượng tham gia. Ông Lê Văn Lưu – Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện cho biết: “Sau khi có Nghị quyết 28 của Bộ chính trị, Bảo hiểm xã hội huyện Phù Cừ đã tham mưu cho Huyện ủy ra Chương trình hành động số 21 về bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân trên toàn địa bàn của huyện Phù Cừ và hàng năm, Bảo hiểm xã hội huyện Phù Cừ đã phối hợp cùng với đại lý của các xã cũng như đại lý Bưu điện và Trung tâm y tế huyện. Đây là ba đại lý trụ cột cho cơ quan Bảo hiểm xã hội để thực hiện nhiệm vụ thu bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân trên địa bàn cũng như giao các chỉ tiêu, kế hoạch hàng năm cho các đại lý để thực hiện đảm bảo theo Nghị quyếtsố 28 của Ban chấp hành Trung ương, Chương trình hành động số 21 của Huyện ủy đề ra”. Theo quy định của pháp luật. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo tỷ lệ % trên mức đóng hàng tháng. Mức hỗ trợ từ 10 đến 30%. Mức đóng hàng tháng được xác định bằng mức thu nhập chuẩn hộ nghèo là 700 nghìn đồng/tháng. Cụ thể là mức hỗ trợ bằng 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo; Mức hỗ trợ bằng 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; Mức hỗ trợ bằng 10% đối với người tham gia thuộc các đối tượng khác. Bên cạnh việc mở rộng các đại lý thu, Bảo hiểm xã hội huyện còn thành lập các nhóm tuyên truyền trực tiếp tới các khu dân cư, chợ, hộ gia đình với phương châm đến từng ngõ, gõ từng nhà, tạo điều kiện tốt nhất về mặt thủ tục cho người tham gia. Chị Trần Thị Nguyệt Nga – Cán bộ thu - Bảo hiểm xã hội huyện chia sẻ: “Trong quá trình triển khai thực hiện bảo hiểm xã hội tự nguyện, về mặt thủ tục hồ sơ rất là đơn giản, thuận tiện, không phức tạp. Người dân khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ cần mang chứng minh thư đi, cán bộ hoặc đại lý thu bảo hiểm xã hội sẽ hướng dẫn và giúp người dân hoàn thiện. Mức đóng cũng rất linh hoạt, có nhiều mức đóng để cho người dân tham gia phù hợp với thu nhập của gia đình mình. Về cái phương thức đóng, có các phương thức đóng 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng và 5 năm. Tuy nhiên, khó khăn là mức bình quân thu nhập của người dân trên địa bàn huyện còn thấp so với mặt bằng của tỉnh. Một bộ phận người dân còn chưa hiểu hết về chính sách ưu việt của bảo hiểm xã hội tự nguyện”. Tam Đa là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại trong thời gian vừa qua. Tuy điều kiện kinh tế của người dân xã Tam Đa không phải là cao so với mặt bằng chung của huyện, nhưng người dân ở đây đặt niềm tin rất cao vào chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước. Đến nay, sau hơn 2 tháng được nhân viên đại lý thu UBND xã Tam Đa là chị Nguyễn Thu Phương - Công chức lao động, thương binh và xã hội xã tuyên truyền, đã có gần 100 người dân địa phương tham gia. Để có được kết quả đó, chị Phương đã tìm hiểu cặn kẽ về quy định, nắm chắc các văn bản và hiểu đẩy đủ về ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH tự nguyện, từ đó càng ngày chị càng say sưa vận động chính sách này tới người dân địa phương. Chị Phương chia sẻ: “Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã, chúng tôi đã thực hiện tuyên truyền qua hệ thống đài truyền thanh, tuyên truyền lồng ghép vào các hội nghị của xã, của thôn. Đồng thời đại lý chúng tôi còn đến tận nhà người dân để tuyên truyền, giúp cho người dân hiểu rõ, nhận thức đầy đủ về quyền lợi của việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Về độ tuổi tham gia là công dân từ đủ 15 tuổi trở lên mà không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Và với mức đóng chỉ từ 138.600 đồng/tháng, rất phù hợp với thu nhập của lao động tự do tại khu vực nông thôn. Hơn nữa đây là chính sách của Nhà nước, được nhà nước hỗ trợ 10% số tiền đóng. Khi đến 60 tuổi thì người tham gia được hưởng rất nhiều chính sách và quyền lợi. Hiện nay có rất nhiều người dân muốn đăng ký tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức các hội nghị tuyên truyền và đến trực tiếp các hộ gia đình để tư vấn, đặc biệt là những người lao động tự do, để họ hiểu rõ hơn về quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Qua đó giúp cho người dân được hưởng chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, được Nhà nước chăm sóc lúc tuổi già và được hưởng một cuộc sống an nhàn khi hết tuổi lao động”. Khi được tuyên truyền, tư vấn về nghĩa vụ, quyền lợi của người tham gia cùng những chính sách hỗ trợ ưu việt của Nhà nước đối với loại hình bảo hiểm này, đã có rất nhiều người dân đăng ký tham gia với tâm trạng vui mừng phấn khởi. Chị Bùi Thị Lệ Hằng, người dân ở thôn Cự Phú, xã Tam Đa đã cho biết: “Sau khi được cán bộ thu bảo hiểm tuyên truyền về lợi ích của việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì tôi đã hiểu đầy đủ về những quyền lợi của người tham gia và tôi đã đăng ký tham gia đóng với mức 138,600 đồng/tháng. Với mức này tôi nghĩ rằng là phù hợp với người lao động tự do như tôi. Năm nay tôi 34 tuổi, tôi nghĩ rằng bây giờ tôi còn trẻ, còn sức khỏe, còn có thể kiếm tiền được thì tôi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để khi tôi 60 tuổi, lúc đó đã giảm khả năng lao động thì tôi sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng. Như thế cuộc sống của tôi ổn định hơn và ngoài ra tôi còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để chăm sóc sức khỏe khi về già. Bên cạnh đó thì thân nhân còn được hưởng cái chế độ tử tuất. Tôi nghĩ rằng bảo hiểm xã hội tự nguyện là chính sách bảo hiểm của Đảng và Nhà nước, vì cái quyền lợi của người dân. Tôi thiết nghĩ mọi người dân lao động tự do như tôi nên tham gia để sau này có một tuổi già an nhàn”. Có thể nói, bảo hiểm xã hội tự nguyện có rất nhiều ưu việt đối với người dân. Những nỗ lực phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện của Bảo hiểm xã hội huyện Phù Cừ và các ngành, các địa phương đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, hướng tới mục tiêu lâu dài là tất cả người dân đều có lương hưu và được chăm sóc sức khỏe khi về già, từ đó góp phần to lớn trong việc đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện nhà. Phan Nguyệt – Đài TT huyện
V/v triển khai thực hiện giá bán điện theo Quyết định số 2941/QĐ-BCT ngày 08/11/2023 của Bộ Công Thương