Chính sách đối với người khuyết tật

Hiện nay, sau những cuộc vận động kiên trì của các tổ chức, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực nhân quyền, nhận thức về người khuyết tật cũng là chủ thể bình đẳng của các quyền con người mới dần dần chiếm ưu thế trên thế giới.

Sự chuyển biến về nhận thức đã dẫn tới thay đổi cả cách gọi tên của nhóm xã hội này. Thay cho việc dùng từ “những người tàn tật” có hàm ý miệt thị và hạ thấp, hiện nay, nhóm xã hội này được gọi một cách chính xác và trân trọng là những người khuyết tật. Tên gọi mới, ngoài những yếu tố khác, mang hàm ý rõ ràng rằng đây là nhóm người tuy có những khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần, nhưng họ không phải và không được coi họ là những người vô dụng, đứng ngoài lề dòng chảy và là gánh nặng cho xã hội.

Để đảm bảo quyền lợi cho người khuyết tật, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành một hệ thống các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật thực hiện bình đẳng các quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và phát huy khả năng của mình để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

ảnh minh hoạ

Luật người khuyết tật năm 2010 được ban hành, là cơ sở pháp lý vững chắc để người khuyết tật vươn lên ổn định cuộc sống. Nghị định số 136 ngày 21/10/2013 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật thì người khuyết tật được hưởng chế độ trợ cấp xã hội gồm người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng. Việc xác định mức độ khuyết tật dựa vào Hội đồng xét duyệt cấp xã thực hiện, trường hợp Hội đồng xét duyệt cấp xã không xác định được mức độ khuyết tật thì người khuyết tật sẽ được giám định y khoa tại Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền. 

Theo nghị định, người khuyết tật nặng được hưởng hỗ trợ mức 405.000 đồng/tháng, nếu là trẻ em hoặc người cao tuổi là 540.000đ/tháng. Đối với người khuyết tật đặc biệt nặng được hỗ trợ là 540.000đ/tháng. Đối với người khuyết tật đặc biệt nặng là trẻ em hoặc người cao tuổi thì mức hỗ trợ là 675.000đ/tháng.

Ngoài ra, người chăm sóc người khuyết tật cũng được hỗ trợ kinh phí hàng tháng. Cùng với sự hỗ trợ về vật chất, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng được miễn giá vé, giá dịch vụ khi tham gia các phương tiện giao thông và giảm giá vé khi người khuyết tật sử dụng các dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí và du lịch. Các đơn vị ở các lĩnh vực giao thông, văn hóa, thể thao, giải trí và du lịch phải có trách nhiệm bố trí thiết bị, công cụ và nhân viên để trợ giúp người khuyết tật tham gia vào các dịch vụ của mình. 

Đối với công tác hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật được quan tâm rõ rệt. Nếu người khuyết tật tự tạo việc làm hoặc hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật sẽ được vay vốn với lãi suất ưu đãi, được hướng dẫn về sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động là người khuyết tật trở lên sẽ được hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp với người khuyết tật, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Đặng Quân