Lợi ích kép nhờ việc phân loại rác thải tại nguồn

Rác thải và ô nhiễm môi trường đang là bài toán khó giải ở nhiều địa phương. Tình trạng vứt rác thải không đúng nơi quy định và xả thải bừa bãi đang làm môi trường ô nhiễm trầm trọng. Thay vì loay hoay tìm lời giải cho bài toán ô nhiễm môi trường, thì mô hình "Phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình" sẽ là đáp số trọn vẹn, góp phần giúp cho diện mạo làng quê thêm sạch đẹp.

     Những năm qua, việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình cũng đã trở thành nếp sinh hoạt thường ngày của nhiều hộ dân ở các xã Nguyên Hoà, Tam Đa, Nhật Quang, Minh Tiến, Đoàn Đào… Chị Phạm Thị Thuý – Người dân thôn Thị Giang, xã Nguyên Hoà chia sẻ: "Ở Nguyên Hoà, hầu như các tuyến đường đều sạch sẽ và không có rác vứt bừa bãi. Được như vậy là do người dân đã nhận thức đầy đủ về tác hại của ô nhiễm môi trường, của việc vứt rác thải bừa bãi. Bên cạnh đó, xã, thôn và các ngành đoàn thể đã tăng cường tuyên truyền nhân dân phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Hội phụ nữ vận động chị em tích cực trồng các tuyến đường hoa để điểm thêm cho cảnh quan tươi đẹp”. Cùng ý kiến, bà Doãn Thị Loan ở thôn Đại Duy, xã Đoàn Đào cũng cho biết: “Thời gian gần đây, số hộ thực hiện việc phân loại và xử lý rác thải hữu cơ ở trong xóm, trong thôn đã tăng lên nhiều. Việc thực hiện mô hình này làm giảm đáng kể lượng rác phải vận chuyển đến bãi tập kết rác, không còn tình trạng vứt rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường. Xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn, các hộ còn có nguồn phân sạch bón cho cây trồng”. Ông Vũ Ngọc Dinh ở thôn Kim Phương, xã Minh Tiến chia sẻ: “Phân loại rác thải rất có tác dụng. Nhà tôi có thùng này, có vỏ cam, vỏ quýt, rau cỏ ... là bỏ vào thùng. Sau đó đổ ra ruộng làm phân. Nó rất có ý nghĩa, có lợi cho người dân, vừa vệ sinh, vừa làm phân hữu cơ bón cho cây trồng rất tốt. Ở địa phương cúng tôi từ năm 2016, bà con nhân dân rất tích cực tham gia”.

     Triển khai từ năm 2015, Đến thời điểm này, toàn huyện có gần 13.800 hộ thực hiện mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình, đạt tỷ lệ 59%, cao nhất tỉnh. Trong đó có trên 10.700 hộ đào hố xử lý, gần 3.100 hộ xử lý bằng thùng. Trung bình, mỗi ngày, các hộ gia đình trên địa bàn huyện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ được khoảng 10 tấn. Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ thùng nhựa, nắp đậy và mỗi năm 2 gói chế phẩm sinh học để xử lý rác thải hữu cơ.

     Đồng chí Lê Xuân Mai - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: “Lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện ước tính từ 25 đến 30 tấn mỗi ngày. Hằng ngày, huyện vận chuyển từ 5 đến 8 tấn rác đi xử lý tại Dị Sử - Mỹ Hào. Nhờ thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình nên lượng rác thải mỗi ngày của huyện đã giảm được khoảng 10 tấn, tiết kiệm được chi phí vận chuyển, xử lý khoảng 4 triệu đồng. Trong bình mỗi năm tiết kiệm được khoảng trên 900 triệu đồng”.

    Môi trường là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Để việc thực hiện phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình trở thành thói quen của mỗi người dân, thời gian qua, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã phối hợp với Hội LHPN huyện, các ngành, đoàn thể và các xã, thị trấn tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn về quy trình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc, giám sát, hướng dẫn việc triển khai ở các địa phương. Việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình cũng được các địa phương triển khai với nhiều hình thức phù hợp với điều kiện thực tế như: vận động nhân dân tận dụng vật liệu sẵn có để chế tạo nắp đậy hố xử lý rác hữu cơ; xây và tận dụng bể xây hiện có để xử lý rác thải; sử dụng thùng nhựa có đủ khối lượng để phân loại, xử lý rác thải hữu cơ... 

    Phân loại rác thải tại nguồn sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cũng như môi trường, giúp khắc phục những tồn tại về quy trình xử lý rác thải hiện nay. Nếu việc phân loại rác thải tại nguồn được thực hiện tốt sẽ giúp giảm khối lượng rác phải chôn lấp, giúp giảm độc hại, giảm ô nhiễm môi trường không khí, nước rỉ rác; tiết kiệm diện tích đất dùng để chôn lấp rác... Mặt khác, nếu phân loại tốt, chúng ta có thể thu được nguồn lợi kinh tế từ các rác thải có thể tái chế và tái sử dụng.

 

 

 

Đặng Quân